![]() |
Ảnh minh họa |
Theo số liệu của VCCI, 6 tháng đầu năm, có 309.000 tờ khai kiểm tra chuyên ngành và chỉ phát hiện 7 trường hợp vi phạm. Điều này cho thấy, tỷ lệ vi phạm rất thấp và hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Thế nhưng các bộ, ngành liên quan đều khăng khăng giữ quan điểm phải kiểm tra chuyên ngành 100% các lô hàng xuất nhập khẩu để “an toàn cho người tiêu dùng trong nước”.
Ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) - cho biết, công ty chuyên chế biến mặt hàng dừa XK, nên hàng tháng NK nhiều bao bì để đóng gói. Điều đáng nói là, loại việc NK mặt hàng diễn ra liên tục nhiều năm nay và chưa có lô hàng nào vi phạm về kiểm tra chuyên ngành, nhưng vẫn không được xem xét ưu tiên. Còn theo ông Nguyễn Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - năm 2015 Việt Nam NK khoảng 1 triệu tấn bông. Với chi phí khoảng 1 triệu đồng cho mỗi mẫu 0,5kg bông, các DN mất khoảng 18 tỷ đồng cho kiểm dịch.
Bức xúc không kém là các DN thép. Đại diện Công ty Thép Khương Mai kể, công ty ông nhập khẩu thép nguyên tấm về phục vụ cho hoạt động công nghiệp, nhưng kiểm tra chuyên ngành lại bắt cắt một miếng đi kiểm tra. Như vậy nguyên tấm thép được kiểm tra DN không biết dùng vào việc gì?
Ông Đinh Ngọc Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh - cũng thừa nhận, kiểm tra chuyên ngành nằm trong số những bức xúc nhất hiện nay của doanh nghiệp. “Nhưng vì là người thực thi nhiệm vụ nên không thể không làm” - ông Thắng chia sẻ.
Thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt trong chỉ đạo tháo gỡ rào cản cho hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có khâu kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể như Quyết định 2026/QĐ-TTg phê duyệt đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó nêu rõ số lượng văn bản liên quan phải sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi tối đa cho DN; Nghị quyết 19/2016/NQ-CP trong đó yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 – 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016; áp dụng kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, đẩy mạnh công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận…
Những chỉ đạo, định hướng từ Chính phủ đã phản ánh đúng điều DN mong muốn. Vấn đề đặt ra hiện nay là trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành. Các DN không bác bỏ việc kiểm tra chuyên ngành mà cần có những giải pháp phù hợp, tránh thiệt hại, khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.