Việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế được xác định là một trong những nội dung quan trọng, hình thành từ đường lối “Đổi mới” của Đảng nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thành tựu đạt được sau hơn 30 năm phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế là những đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn. Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Tính đến tháng 12/2022, trên cả nước đã hình thành hệ thống 407 khu công nghiệp (tính cả 4 khu chế xuất) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha; trong đó có 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đã cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 khu công nghiệp đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản.
Cùng với đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.
Qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước phát hiện và chỉ ra các “nút thắt” trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng khoảng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt khoảng 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế khoảng 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế là 212 tỷ USD.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến này luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996 - 2000, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước; giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp khoảng 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong nước (không kể dầu thô) và giai đoạn 2016 - 2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%. Các khu công nghiệp, khu kinh tế còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động của cả nước.
Sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện định hướng tăng trưởng xanh; cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều “nút thắt” hạn chế sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế. Cụ thể là vấn đề về: quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hiệu quả sử dụng đất…
Từ phía Kiểm toán nhà nước, qua các cuộc kiểm toán chuyên đề về đánh giá hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư, các cuộc kiểm toán lồng ghép…, Kiểm toán nhà nước cũng phát hiện và chỉ ra các “nút thắt” trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và đề xuất các kiến nghị, giải pháp để góp phần tháo gỡ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, Kiểm toán nhà nước đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có 6 cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp... Trên cơ sở đó, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung hàng chục văn bản quy phạm pháp luật, từ Nghị định, Thông tư cho đến các văn bản quản lý, hướng dẫn đặc thù cho từng lĩnh vực; đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao giúp khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như bịt những lỗ hổng trong hệ thống các quy định về bảo vệ môi trường, tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý môi trường.
Những nguyên nhân dẫn tới những “nút thắt” trong phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ được các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ tại Hội thảo Chuyên đề 3 “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn "Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước" do Kiểm toán nhà nước tổ chức vào ngày mai (18/10).