Kiểm toán nhà nước kiến nghị Lào Cai thu hồi nộp ngân sách hơn 64,723 tỷ đồng Kiểm toán tại Yên Bái: Nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chưa thực hiện đúng |
Kiểm toán nhà nước vừa trình Quốc hội báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Kiểm toán nhà nước đề nghị có hướng giải quyết trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được hỗ trợ thuê nhà. Ảnh báo Dân Việt |
Cơ quan này cho biết, về chính sách tài khóa hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm, tính đến ngày 31/8/2023, nguồn kinh phí đã bố trí để thực hiện là 4.728,99 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4.568,97 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Tổng kinh phí đã sử dụng đề nghị quyết toán là 3.761,08 tỷ đồng, bằng 56,9% nguồn lực thực hiện chính sách (6.600 tỷ đồng); tổng số người lao động được hỗ trợ là 2.981.196 người, trong đó một số địa phương thực hiện thấp hơn so với nguồn dự kiến, còn dư lớn.
Qua kiểm toán cho thấy, công tác tham mưu ban hành văn bản thực hiện chính sách còn chưa kịp thời, đầy đủ, phù hợp… Cụ thể, công tác tham mưu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho Chính phủ trong việc xây dựng, ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chậm tiến độ gần một tháng theo quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.
Bên cạnh đó, việc quy định thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022 phải hoàn thành và thực hiện chi hỗ trợ từng tháng cũng gây áp lực cho doanh nghiệp và địa phương. Hầu hết người sử dụng lao động muốn thực hiện chính sách một lần nên dồn việc nộp hồ sơ đề nghị vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2022, dẫn đến hồ sơ dồn nhiều vào thời gian này, gây khó khăn cho việc tiếp nhận, giải quyết của địa phương.
Phương án dự kiến số liệu về đối tượng lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà (kèm Công văn số 919/LĐTBXH-VL của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa phù hợp, thiếu tin cậy, chưa có các số liệu về số lượng doanh nghiệp, lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm chi tiết theo từng địa phương...
Về phía các địa phương: Nhiều tỉnh chậm xây dựng kế hoạch cũng như chậm triển khai thực hiện chính sách; việc xác nhận đối tượng lao động được hưởng chính sách còn chậm (theo báo cáo của UBND TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, còn 10.474 lao động với số tiền hỗ trợ 13,38 tỷ đồng) dẫn đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không đề xuất Chính phủ giải quyết hỗ trợ do đã quá thời hạn (quá ngày 15/8/2022 theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg)...
Từ kết quả kiểm toán trên, Kiểm toán nhà nước đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án sử dụng đối với kinh phí thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư khoảng 2.838,4 tỷ đồng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước nhằm phát huy hiệu quả.