Kiểm toán nhà nước kiến nghị Lào Cai thu hồi nộp ngân sách hơn 64,723 tỷ đồng Nâng cao giá trị nông sản Yên Bái nhờ chỉ dẫn địa lý |
Theo kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022 tại tỉnh Yên Bái, do Kiểm toán nhà nước vừa công bố, cho thấy: Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã xây dựng điều lệ, quy chế quản lý tài chính sử dụng quỹ và đều có ban quản lý hoặc ban điều hành được thành lập ở các cấp; công tác quản lý nghiệp vụ quỹ được tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn trực tiếp tham gia; cơ chế huy động nguồn lực của các quỹ đã được UBND tỉnh Yên Bái xây dựng ban hành theo quy định của pháp luật…
Nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở Yên Bái chưa thực hiện đúng. Nguồn: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Yên Bái |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách còn một số hạn chế như: UBND tỉnh Yên Bái khi ban hành quyết định thành lập Quỹ Phát triển đất chưa phê duyệt mức vốn điều lệ cho quỹ; tại quyết định ban hành quy chế quản lý tài chính Quỹ Bảo vệ môi trường có nội dung “Thu lãi từ hoạt động mua, bán trái phiếu” quy định trong nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ có thể rủi ro cho nguồn vốn hoạt động của quỹ khi mua trái phiếu của các doanh nghiệp; Quỹ Hỗ trợ nông dân còn ban hành Quy chế quản lý tài chính chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân 11 tỷ đồng; Quỹ Phát triển hợp tác xã 9,04 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện trình tự thủ tục bằng hình thức đầu tư công theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH13; bổ sung kinh phí hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường gần 34,666 tỷ đồng và Quỹ Phát triển đất gần 41,186 tỷ đồng chưa đúng với quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Quỹ Bảo lãnh tín dụng giai đoạn năm 2020-2022 không phát sinh doanh số bảo lãnh, nợ quá hạn của các hợp đồng bảo lãnh không có khả năng thu hồi có thể sẽ phải trả nợ thay đến ngày 30/4/2023 là hơn 22,76 tỷ đồng...
Đối với Quỹ Phòng, chống thiên tai còn để tồn đọng nợ phải thu nhiều qua các năm, tập trung chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và huyện. Tổng số nợ của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đến ngày 31/12/2022 là hơn 17,358 tỷ đồng. Quỹ chưa thực hiện việc mở sổ sách kế toán, sổ chi tiết theo dõi, lập các biểu mẫu quyết toán theo quy định tại chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp, chế độ kế toán áp dụng cho quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Ngoài ra còn một số quỹ như: Quỹ Hỗ trợ nông dân; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Quỹ Phát triển đất; Quỹ Bảo vệ môi trường… còn chưa thực hiện đúng.