Thị trường trong nước những tháng đầu năm cơ bản ổn định |
CPI ổn định
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 4/2017 không thay đổi so với tháng 3, tăng 0,9% so với tháng 12/2016 và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, CPI tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý I/2017.
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 4, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - phân tích, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh ở 14 tỉnh cho người có bảo hiểm y tế là nhóm đóng góp cao nhất vào mức tăng CPI tháng 4 với 0,41%. Các nhóm dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ uống, thuốc lá… tăng nhẹ cũng đóng góp vào mức tăng CPI. Tuy vậy, nhờ sự tính toán hợp lý khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế đúng vào thời điểm giá giao thông giảm mạnh sau 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu và lương thực, thực phẩm giảm sâu do giá thịt lợn xuống thấp nên CPI tháng 4 không tăng so với tháng 3.
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước - chia sẻ thêm, trong đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/4, lẽ ra giá xăng phải tăng 700 đồng/lít mới theo kịp giá thế giới, nhưng để tạo điều kiện cho giá dịch vụ y tế có thể tăng đúng lộ trình, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định chỉ tăng 350 đồng/lít, còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Nhờ đó, CPI tháng 4 không bị ảnh hưởng nhiều.
Nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng theo đúng mục tiêu đề ra |
Nhờ sự linh hoạt trong điều hành giá các mặt hàng, tại cuộc họp Ban điều hành giá diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ đánh giá, việc điều hành giá đã có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng, xây dựng kịch bản chi tiết, đánh giá tình hình cụ thể cho từng bước điều chỉnh. Nhờ đó, chỉ số tăng CPI đã giảm dần trong 4 tháng đầu năm.
Thận trọng trong những tháng tiếp theo
Dù đã có nhiều nỗ lực trong điều hành CPI những tháng đầu năm nhưng Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng dự báo, CPI tháng 5 và những tháng tiếp theo còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Đơn cử, giá xăng dầu thế giới đang diễn biến phức tạp, không theo quy luật hàng năm và có thể đóng góp vào CPI đến 0,5% trong tháng 5. Bên cạnh đó, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ 30/4 sẽ ảnh hưởng tới nhóm dịch vụ du lịch và đồ uống. Giá thịt lợn hơi giảm sâu nhưng giá bán ở chợ không giảm nhiều nên dư địa để giảm CPI nhờ mặt hàng này không cao. Do đó, CPI tháng 5 được dự báo có thể tăng nhẹ so với tháng 4.
Ngoài ra, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành mức tăng học phí của năm học 2017- 2018 là 5%. Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục không tăng thêm các phí khác, nhưng mức tăng học phí này cũng sẽ tác động đến CPI từ nay đến cuối năm.
Bà Đỗ Thị Ngọc chia sẻ thêm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ xây dựng phương án tăng giá điện trong thời gian từ nay đến tháng 8. Giá điện tăng không tác động trực tiếp quá lớn vào CPI nhưng sẽ ảnh hưởng đến giá nhiều mặt hàng khác.
Năm 2017, mục tiêu đề ra là kiểm soát CPI dưới 4% để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng, đồng thời đạt mục tiêu chuyển một phần các giá dịch vụ công sang cơ chế thị trường. |