Lốp nhập khẩu bị "buông lỏng"?
Thừa nhận sản phẩm lốp xe Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm NK từ nước ngoài, đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) cho biết: Việt Nam NK lốp xe từ hơn 80 quốc gia trên thế giới; trong đó, có hai thị trường lớn là Trung Quốc và Thái Lan, chiếm tỷ trọng lần lượt 26,13% và 25,4%. Cả nước hiện có hơn 700 DN NK các sản phẩm lốp ôtô phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước; 130 DN NK lốp xe máy. Số liệu thống kê cho thấy, riêng về lốp ôtô tải, các nhà sản xuất trong nước chỉ chiếm giữ 30% thị trường nội địa với 2,4 triệu lốp, NK tới 70% với 8 triệu lốp.
Sản phẩm săm lốp của Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng được người tiêu dùng tin tưởng |
Điều đáng nói, DN Việt Nam xuất khẩu lốp xe sang các nước phải tốn khá nhiều thời gian và chi phí để có được tiêu chuẩn của các quốc gia và khu vực trên thế giới, từ 60.000 - 100.000 USD/đợt. "Ngay tại thị trường sân nhà, DN Việt Nam lại không có hệ thống tiêu chuẩn như vậy" - đại diện Casumina khẳng định.
Trong khi các DN trong nước luôn đóng thuế giá trị gia tăng đầu ra và thuế NK nguyên vật liệu đầy đủ, lại xảy ra tình trạng DN NK khai gian lận thuế. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam NK 900 triệu USD lốp, trong đó, NK từ Trung Quốc 30%. Tuy nhiên, các đơn vị NK khai mức giá NK chỉ bằng 30% giá thực mua để trốn thuế. Nếu khai đúng, giá trị lốp NK vào Việt Nam sẽ là trên 1,5 tỷ USD và mức thuế nhà nước thu thêm được là 100 triệu USD.
Cần phối hợp kiểm soát
Trước những phản ánh của DN, đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho hay, tập đoàn hiện có 3 đơn vị sản xuất sản phẩm lốp, đó là: Casumina, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng. Hai năm nay, tình hình tiêu thụ lốp xe của các đơn vị rất khó khăn, đặc biệt tại thị trường trong nước, khiến lợi nhuận giảm. Khó khăn này chủ yếu do tình trạng lốp NK gian lận thương mại về kê khai thuế. Đặc biệt, nếu lốp sản xuất trong nước phải kiểm soát tiêu chuẩn chất lượng trước khi đưa ra thị trường, lốp NK hoàn toàn không có sự kiểm soát. Điều này dẫn đến lốp không đạt tiêu chuẩn vào được thị trường với giá rẻ hơn, gây cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Hiện nay, ở Việt Nam, riêng đối với lốp ôtô, Cục Đăng kiểm đã áp dụng Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) - QCVN 34:2017/BGTVT cho việc kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho sản phẩm lốp hơi dùng cho ôtô. Các DN cho rằng, quy chuẩn này khác với tiêu chuẩn của những nước khác, đó là chỉ cấp giấy chứng nhận mà không yêu cầu khắc số chứng nhận hay logo của cơ quan đăng kiểm lên sản phẩm lốp. "Phần lớn các công ty xuất khẩu lốp vào Việt Nam hoặc công ty ở Việt Nam NK lốp về đều không làm thủ tục xin cấp chứng nhận tiêu chuẩn QCVN" - đại diện Casumina nhấn mạnh.
Rõ ràng, ở một góc độ nào đó, QCVN cũng được xem như hàng rào kỹ thuật. Do đó, cần tiến hành cấp chứng nhận QCVN cho tất cả các nhà sản xuất, áp dụng cho lốp ôtô và săm lốp xe máy các loại. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị NK phải xuất trình giấy chứng nhận hợp quy khi làm thủ tục hải quan nhập hàng vào Việt Nam. Đồng thời, cần yêu cầu các nhà sản xuất khi xuất khẩu vào Việt Nam phải chỉ định nhà NK đầu mối giúp cho việc kiểm tra giám sát dễ dàng hơn.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị siết chặt các quy định về hợp quy chất lượng các sản phẩm lốp NK vào thị trường Việt Nam nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi nguời tiêu dùng. |