Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc Giá tiêu hôm nay 12/11: Triển vọng tốt từ thị trường Trung Quốc |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức ký Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc, phía bạn đã ký trước rồi chuyển về Việt Nam.
Kích hoạt thị trường tỷ dân cho sản phẩm tổ yến Việt Nam |
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu. Các số liệu chuyên ngành tổ yến tại Trung Quốc cho biết nhập khẩu tổ yến chính ngạch vào Trung Quốc năm 2019 là 180 tấn, năm 2020 là 220 tấn và năm 2021 khoảng hơn 300 tấn.
Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến do có bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, ra các đầm, phá. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng.
Ngành yến được đánh giá có giá trị kinh tế và tiềm năng xuất khẩu to lớn. Chính vì thế, từ năm 2019, tổ yến đã là một trong các sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng, đàm phán và gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Đồng thời, Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, rất thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển, cung ứng sang thị trường Trung Quốc để tiêu thụ các sản phẩm tổ yến, tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn cho sản phẩm tổ yến của Việt Nam so với các nước khác.
Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chia sẻ, một bên là thị trường lớn, một bên có nhiều điều kiện ưu đãi để nuôi yến. Do đó, từ ba năm nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng chiến lược phát triển ngành yến, đưa yến sang thị trường Trung Quốc. “Sau ba năm kiên trì, chúng ta đã ký được Nghị định thư giữa hai bên, khởi động việc xuất khẩu chính ngạch yến sang thị trường Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng khi kích hoạt được thị trường rộng lớn này thì chuỗi ngành hàng yến của ta sẽ được cấu trúc lại và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, thu nhập của người nuôi yến, doanh nghiệp chế biến yến”, ông Lê Minh Hoan nói.
Để việc xuất khẩu yến sang Trung Quốc đảm bảo đúng quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị phổ biến nội dung Nghị định thư này cho tất cả các Hiệp hội, Hội và doanh nghiệp có liên quan để các đơn vị chủ động chuẩn bị, đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Về phía các doanh nghiệp chế biến tổ yến cần phải tìm hiểu thật kỹ và tuân thủ đúng, đầy đủ các yêu cầu của phía Trung Quốc nêu trong Nghị định thư này như các điều kiện về quản lý cơ sở nuôi chim yến, chế biến tổ yến để bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đúng quy định.
Các Hiệp hội, Hội và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ qan chuyên môn, các địa phương để khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát bệnh Cúm gia cầm và Nưu-cát-xơn (Newcastle) trên chim yến; Kế hoạch giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm tổ yến. Về lâu dài, Bộ sẽ chỉ đạo để có chiến lược, kế hoạch phát triển ngành yến Việt Nam có trách nhiệm, bền vững, bảo đảm giữ vững thương hiệu tổ yến Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, cũng như các thị trường tiềm năng khác.
Hiện nay, cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Ngành Yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Việc xuất khẩu chính ngạch tổ yến đi thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo động lực phát triển mạnh mô hình nuôi chim yến, chế biến tổ yến.
Nghị định thư đã được ký đã kích hoạt thị trường tỷ dân cho sản phẩm yến Việt Nam. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu của công đoạn, việc còn lại là tâm thế của chúng ta khi xuất khẩu một loại hàng hoá mà thị trường có nhu cầu lớn đòi hỏi phải cấu trúc lại ngành hàng yến.
"Để đi xa cần phải đi cùng nhau để đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của phía thị trường Trung Quốc. Thời gian qua có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, nên qua đây tôi muốn nhấn mạnh lại rằng thị trường Trung Quốc là thị trường đủ lớn cho tất cả chúng ta. Tính xa hơn chúng tôi sẽ tổ chức lại ngành hàng yến, chuyển đổi số trong ngành hàng yến để làm sao có thể kiểm soát được tất cả, từ đó tạo ra niềm tin của người tiêu dùng, niềm tin của thị trường Trung Quốc”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.