Tổ chức kích cầu tiêu dùng cần thiết thực, hiệu quả hơn, thường xuyên hơn Tìm giải pháp kích cầu hiệu quả, mở rộng thị trường cho trái cây mùa vụ |
Hệ luỵ từ sụt giảm nhu cầu
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 đều trong tình trạng bị sụt giảm. Nguyên do, tác động bởi sự thu hẹp thị trường nhập khẩu của toàn thế giới, từ đó gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Do gặp khó khăn trong xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu là đầu vào cho hàng xuất khẩu cũng bị giảm sút, từ đó sản lượng nhập khẩu của doanh nghiệp bị thu hẹp.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân |
“Mặc dù thặng dư về thương mại vẫn dương, nghiêng về xuất khẩu nhưng có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu đều đang giảm sút, phản ánh việc tiếp cận thị trường quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn”, GS.TS Hoàng Văn Cường cho hay. Và chỉ có một số doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm ngành nông sản, thực phẩm... còn duy trì được sự ổn định.
Không chỉ riêng với lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất khác cũng bị đình trệ do thị trường bị thu hẹp.
“Chúng ta nhìn thấy có 4 yếu tố cầu để tạo nên thị trường của các doanh nghiệp, cầu lớn nhất là cầu thị trường quốc tế đang bị thu hẹp.Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, xuất khẩu… mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều ngành khác có yếu tố liên quan, như quan hệ liên kết, quan hệ cung ứng đầu vào cho các ngành", GS. TS Hoàng Văn Cường chỉ ra.
Bên cạnh đó, do doanh nghiệp bị đình trệ nên thu nhập của người lao động bị sụt giảm, khiến cầu tiêu dùng cá nhân không phát triển, từ đó dẫn đến cầu trong nước bị thu hẹp rất mạnh.
Trong bối cảnh thị trường không tiêu thụ được, hiệu quả kinh doanh thấp cho nên phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển chậm lại, thậm chí phá sản, đóng cửa, rút khỏi thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp tham gia mới hoặc quay trở lại thị trường lại có xu hướng giảm đi, cầu doanh nghiệp giảm.
Chỉ còn duy nhất cầu đầu tư công của Chính phủ đang tăng trưởng nhưng giải ngân đầu tư công cũng chưa đạt kỳ vọng, chưa thực sự có sự “bứt phá” mặc dù cơ hội đầu tư công nhiều hơn so với các năm trước. Đầu tư công mới chỉ hướng đến hạ tầng. Yếu tố này có tác động dài hạn đến nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, tạo tác động lan toả... nhưng không phải thay đổi mang tính đột biến.
3 giải pháp trọng tâm
Trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về việc khó tiếp cận vốn vay ưu đãi trong khi một số gói ưu đãi của Chính phủ giải ngân chưa đáng bao nhiêu, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng: Trong các chính sách công hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, bên cạnh một số chính sách phát huy tác dụng thì vẫn còn một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ lãi suất.
Kích cầu tiêu dùng để gỡ khó cho doanh nghiệp |
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2023, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định có 3 giải pháp quan trọng.
Thứ nhất, phải tăng tổng cầu. Có 4 yếu tố liên quan đến cầu, thì yếu tố cầu trong nước có thể chủ động thông qua các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đơn cử như chính sách giảm thuế VAT đang áp dụng cần kéo dài hơn không chỉ dừng lại trong năm 2023.
Cầu đầu tư công Chính phủ cần được khơi thông và đẩy mạnh. Ngoài ra, cần tăng cầu Chính phủ thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tài khoá cho doanh nghiệp. Ví dụ, miễn, giảm, hoãn các khoản đóng góp, tăng các khoản hỗ trợ lãi suất.
Thứ hai, cần nghiên cứu giảm các khoản đóng góp của doanh nghiệp và người dân vào các quỹ, như bảo hiểm xã hội, quỹ công đoàn… để giảm bớt phần phải đóng góp, người lao động sẽ có thêm một phần thu nhập để tăng cầu tiêu dùng.
Thứ ba, mấu chốt quan trọng nhất là hỗ trợ cầu cho tiêu dùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phục hồi, phát triển thông qua hỗ trợ nguồn vốn với giá ưu đãi, bên cạnh các chính sách lãi suất của ngân hàng có thể điều chỉnh tiếp tục giảm, Chính phủ cũng cần hỗ trợ lãi suất, thêm các cầu của Chính phủ cho doanh nghiệp, như đơn đặt hàng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi.
Về phía doanh nghiệp, GS.TS Hoàng Văn Cường lưu ý phải “tự cứu mình” trong bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp phải lựa chọn, lược bỏ những điểm không phải thế mạnh, sử dụng những quy trình, đổi mới mô hình, đặc biệt là chuyển đổi xanh, liên kết.
“Chúng ta chưa có sự độc lập của thị trường, các quốc gia đều có những tập đoàn lớn trong nước làm trụ cột của nền kinh tế. Chúng ta cũng cần doanh nghiệp trụ cột như vậy, để có các ngành chủ lực do doanh nghiệp Việt dẫn dắt”, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.