Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. |
Nhận thức xây dựng và đăng ký thương hiệu còn hạn chế
Đối với các doanh nghiệp lớn, việc xây dựng và đăng ký thương hiệu được chú trọng từ lâu, song phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là các cơ sở công nghiệp nông thôn, vấn đề xây dựng thương hiệu là một thách thức không nhỏ đối với họ. Bà Cầm Hồng Hạnh, cán bộ của Trung tâm Khuyến công Sơn La phụ trách việc phát triển thương hiệu cho các đơn vị cho biết: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đề án tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu nhãn hiệu, xây dựng phát triển thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa vì họ thấy chẳng cần có tên tuổi mà hàng của họ vẫn bán được hoặc là sợ phải trả chi phí cao, thủ tục rườm rà”.
Những câu trả lời thường xuyên mà cán bộ khuyến công ở đây nhận được khi tiếp cận với các cơ sở như: "Ôi dào, sản phẩm chúng tôi sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, cần gì phải xây dựng uy tín, thương hiệu"; "Hàng chúng tôi bán quanh quanh trong tỉnh mà, cần gì bảo hộ"; "Sản phẩm có nhãn, mác, bao bì đẹp làm gì vì khi về nơi khác họ xé đi đóng gói lại dãn nhãn của họ, họ bán, mình ký hợp đồng bán hết cho họ rồi, giá chấp nhận được, cần gì phải lo thị trường và thương hiệu". Có một vài chủ doanh nghiệp trả lời: "Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ lâu rồi đây này", chủ cơ sở đưa ra một tập giấy đăng mã số, mã vạch sản phẩm, bảng chỉ dẫn, hướng dẫn giới thiệu sản phẩm, đăng ký chất lượng sản phẩm; thậm trí nhãn hiệu của đơn vị lấy luôn địa danh, tên đơn vị hành chính như xã, huyện, tỉnh đặt tên nhãn sản phẩm của mình... và có một số đơn vị qua tư vấn, hoặc trực tiếp nộp đơn đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và coi như nhãn hàng hóa và logo đơn vị đã được bảo hộ. Có thể thấy rằng vấn đề xây dựng thương hiệu ở một số cơ sở sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn chưa được chú trọng và làm chưa đúng với quy trình.
Vai trò của cơ quan khuyến công tại địa phương
Nhận thức được điều này, tỉnh Sơn La cũng đã giao cho các sở, ban, ngành trong đó có Trung tâm Khuyến công lựa chọn sản phẩm, vùng địa lý, nơi sản xuất để quy hoạch, xây dựng chiến lược thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu có uy tín và có những cơ chế, chính sách phù hợp để xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại cho từng sản phẩm, với mục tiêu từ nay đến năm 2020 Sơn La từng bước khai thác, phát huy những lợi thế sản phẩm, vùng miền, gây dựng uy tín và thương hiệu hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh Sơn La với "Thương hiệu Sơn La" sẵn sàng vươn ra thị trường quốc tế.
Tính đến thời điểm cuối năm 2014 trung tâm đã hỗ trợ cho 14 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Những sản phẩm này đang trở thành thương hiệu có uy tín và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Năm 2015, tiếp tục triển khai Chương trình khuyến công quốc gia, trung tâm đã hỗ trợ cho 10 sản phẩm đăng ký, xây dựng thương hiệu với mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 50% chi phí và không quá 35 triệu đồng/thương hiệu. Đặc biệt có gần 20 đơn vị sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ không đúng đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công cũng thông qua trung tâm đề nghị hỗ trợ tư vấn và đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công Sơn La tiếp tục tiến hành triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các đối tượng được thụ hưởng trong Chương trình khuyến công quốc gia thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhãn hiệu thông thường đăng ký trong nước. Đối với các nhãn hiệu, nhóm sản phẩm khác không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách này, rất cần tỉnh có giải pháp hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm của Sơn La và đăng ký sở hữu nhãn hiệu với nước nhập khẩu để các sản phẩm của Sơn La làm ra có tên tuổi xuất xứ của mình.