Khuyến công Khánh Hòa: Bất cập trong thủ tục thanh, quyết toán
|
Thủ tục thanh toán, quyết toán đối với mô hình khuyến công còn nhiều vướng mắc |
Theo ông Lê Hoàng Thọ- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa- hơn 10 năm triển khai, thực hiện chính sách khuyến công, diện mạo ngành công nghiệp, nông thôn của tỉnh đã thay đổi một cách cơ bản. Các cơ sở công nghiệp nông thôn đã đầu tư đáng kể cho phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, khuyến công Khánh Hòa còn gặp một số vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả, tiến độ triển khai của các đề án khuyến công. Đặc biệt, những vướng mắc trong vấn đề thanh toán, quyết toán không chỉ khiến đối tượng thụ hưởng mà cả cơ quan quản lý “đau đầu”. Thậm chí, không ít doanh nghiệp, cơ sở phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ do không thực hiện đúng quy định về thanh toán, quyết toán.
Cụ thể, thời gian thực hiện từ lúc đăng ký đến khi phê duyệt đề án là quá dài, trung bình khoảng 8 tháng. Trong khi đó, cơ hội của doanh nghiệp chỉ mang tính thời điểm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư trước khi có quyết định phê duyệt đề án. Để phù hợp với quy trình công nghệ, trong quá trình đầu tư thiết bị, đối tượng thụ hưởng đã thay thế một số thiết bị không đúng theo danh mục đầu tư đã đăng ký ban đầu, dẫn đến việc hóa đơn chứng từ không phù hợp về danh mục và thời gian đầu tư.
Ngoài ra, quá trình quyết toán các đề án mô hình đang thực hiện theo quy định đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, danh mục đầu tư phải đúng theo báo cáo đề án khuyến công đã phê duyệt. Nói cách khác, các hạng mục đầu tư phải đúng theo đề án của chủ đầu tư gửi kèm báo cáo đề án khuyến công. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn trong quá trình quyết toán. Trên thực tế, không ít đề án mặc dù được duyệt nhưng vẫn trả lại do gặp phải những vướng mắc này.
Cũng theo ông Lê Hoàng Thọ, công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cũng gặp không ít vướng mắc, doanh nghiệp ngày một thờ ơ với chương trình. Theo quy định của Thông tư 26/2014/TT-BCT, thời gian tổ chức bình chọn quá ngắn khiến địa phương khó tìm được sản phẩm đáp ứng các tiêu chí. Doanh nghiệp không đủ thời gian khuếch trương thương hiệu, phát triển thương mại.
Trước hiện trạng trên, ông Lê Hoàng Thọ đề xuất một số giải pháp nhằm tạo độ thông thoáng cho việc thanh toán, quyết toán các đề án. Trên cơ sở dự án đầu tư của các cơ sở công nghiệp nông thôn đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, chủ đầu tư tiến hành làm thủ tục quyết toán kinh phí hỗ trợ khuyến công theo quy định. Tuy nhiên, trong các hạng mục đã phê duyệt, chủ đầu tư có quyền thay đổi máy móc, thiết bị nhưng giá trị năng suất, chất lượng, hiệu quả không được thấp hơn mức đề án được phê duyệt và phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Ông Thọ cũng đề xuất cho phép quy định hóa đơn chứng từ thanh toán hợp lệ. Đó là hóa đơn chứng từ phát sinh trong khoảng thời gian hai năm liền kể từ thời gian ban hành quyết định phê duyệt đề án.
Ngoài ra, thời gian của Chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB có thể tăng lên từ 3-5 năm, đủ thời gian cho doanh nghiệp phát triển thương hiệu, thương mại và phát triển sản phẩm mới.
Ông Lê Hoàng Thọ- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa: Nên chăng có cách nhìn mới về quyết toán đối với các đề án mô hình khuyến công. Hóa đơn chứng từ quyết toán chỉ là cơ sở để đơn vị thụ hưởng từ đề án chứng minh có đầu tư và đầu tư đúng theo tổng giá trị đã phê duyệt và hỗ trợ. |