Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 21, chiều 16/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã
Báo cáo về một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan đến liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này, việc luật hóa sẽ xem xét điều chỉnh sau khi thực hiện nghiên cứu xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo đúng chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW (Nghị quyết số 20) ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo về một số vấn đề lớn liên quan đến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) |
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Nghị quyết số 20 đã nêu chủ trương “nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã hoạt động chuyên môn hoá cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Nếu quy định như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thì việc thành lập và hoạt động của liên đoàn hợp tác xã sẽ được triển khai thực hiện trên diện rộng, không còn tính chất thí điểm theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20. Đồng thời, cũng chưa đủ cơ sở thực tiễn để quy định cụ thể tại dự thảo Luật.
“Do vậy, với quan điểm những nội dung chưa đủ chín, chưa đủ rõ, vẫn còn ý kiến khác nhau thì chưa đưa vào luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn hợp tác xã tại dự thảo Luật lần này” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau thời gian thí điểm, sẽ tiến hành đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn hợp tác xã.
Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên số lượng thành viên hợp tác xã là 7 thành viên để bảo đảm năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh dựa vào lợi thế số thành viên đông, còn nếu rút xuống 5 thành viên thì sẽ có rất nhiều hợp tác xã quy mô siêu nhỏ.
Đồng thời, đề nghị có thể nâng số lượng thành viên tự nguyện từ 10 - 15 thành viên; đề nghị quy định về lộ trình tăng số lượng thành viên hợp tác xã theo thời gian hoạt động của hợp tác xã; nếu quy định số lượng thành viên tối thiểu để thành lập hợp tác xã ở mức cao thì chưa phù hợp và chưa tạo điều kiện phát triển hợp tác xã.
Trước vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho hay, dự thảo Luật đưa ra các quy định về điều kiện, quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với 3 loại thành viên cụ thể gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn. Đây là điểm mới so với Luật Hợp tác xã năm 2012 khi không có sự phân biệt về các loại thành viên.
Việc dự thảo Luật quy định hợp tác xã phải do ít nhất 5 thành viên chính thức, liên hiệp hợp tác xã do ít nhất 3 hợp tác xã là thành viên chính thức tự nguyện thành lập, nhằm tạo điều kiện khuyến khích, thuận lợi trong việc thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cũng phù hợp với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo mô hình quản trị rút gọn.
Việc giảm số lượng thành viên tối thiểu khi đăng ký thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là không mâu thuẫn với chủ trương phát triển thành viên trong quá trình hoạt động. “Để khuyến khích phát triển thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự thảo Luật không hạn chế số lượng thành viên tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định tạo điều kiện mở rộng số lượng thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn; chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng ưu tiên hơn cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chính sách phát triển thành viên, số lượng thành viên nhiều hơn; quy định nghĩa vụ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải kết nạp thành viên khi thành viên đó đáp ứng đủ điều kiện.
Ngoài ra, cho phép hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sáp nhập, hợp nhất lại với nhau, phù hợp với trình độ quản trị và nhu cầu sản xuất, kinh doanh ở từng thời kỳ trong quá trình hoạt động.
Tránh việc trục lợi chính sách
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã giải trình đầy đủ, làm rõ nhiều vấn đề trong thực tiễn, thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng trong phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Tổng Thư ký Quốc hội Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp |
Về số lượng thành viên hợp tác xã, Tổng Thư ký Quốc hội đồng tình tăng từ 5 - 7 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, đề nghị quy định tăng số lượng thành viên hợp tác xã theo lộ trình hợp lý, khả thi để tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể. Việc khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã là việc đúng đắn, tránh việc hộ gia đình trá hình hợp tác xã để trục lợi chính sách.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng thuận quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã là quỹ hỗ trợ ngoài ngân sách, đồng thời cho rằng nên giao Liên minh hợp tác xã quản lý Quỹ này.
Bên cạnh đó, về chuyển nhượng phần góp vốn của thành viên hợp tác xã, ông Bùi Văn Cường cho rằng, không nên cho phép chuyển nhượng, tránh tạo điều kiện giao dịch để chuyển tài sản của mình thông qua hợp tác xã cho người khác, phục vụ các mục đích khác, tránh việc mua bán cổ phần, dẫn đến tình trạng không phản ánh đúng ý nghĩa, bản chất của hợp tác xã, kinh tế hợp tác.
Băn khoăn về việc chuyển đổi từ tổ hợp tác lên hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, thành lập tổ hợp tác chỉ cần ít nhất 2 thành viên còn hợp tác xã phải cần ít nhất 5 thành viên. Do vậy, cần phải quy định chặt chẽ hơn về thời gian và số thành viên khi chuyển đổi từ tổ hợp tác lên hợp tác xã.
Về tổ chức đại diện liên minh hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận định, chức năng nhiệm vụ của liên minh chưa rõ nên việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ của liên minh hợp tác xã là cần thiết.
Liên quan đến vấn đề tài chính nội bộ của hợp tác xã, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng nên sử dụng cụm từ “cho vay nội bộ”. Bởi hợp tác xã không phải kinh doanh tiền tệ nên không thể hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, và hoạt động cho vay của hợp tác xã là hoạt động nội bộ, không có tính chất huy động.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 2 hình thức: Hợp tác xã có thể vay vốn của các thành viên, nhưng không được đi vay để cho vay lại. Hai việc này không được thực hiện cùng một lúc.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đề xuất cần nâng cao năng lực của Ngân hàng Hợp tác xã để phát huy tốt vai trò tín dụng nhân dân, hỗ trợ tốt hơn nữa cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả.