Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với bà Louise Chamberlain - Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam - về quyết tâm giảm nghèo của Việt Nam |
Giúp người nghèo phấn đấu vươn lên
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực hơn 47.000 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Với phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện là 9,88%, tỷ lệ hộ nghèo tại 64 huyện nghèo là 50,43%. “Đây thực sự là một thách thức lớn, khi mà tỷ lệ tái nghèo còn cao. Nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo ở một số nơi chưa được triển khai tốt, còn chồng chéo, thiếu sáng tạo” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo đó, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm, hộ nghèo DTTS 3 - 4% trong giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng yêu cầu, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào DTTS, chú trọng tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. “Nhiều huyện mà tôi biết đã làm đơn tự nguyện xin ra khỏi Chương trình 30a. Nhiều hộ nghèo không nhận kinh phí từ quỹ người nghèo, tự lo sản xuất - kinh doanh. Tôi mong các địa phương nhận thức rõ hơn vấn đề này, khuyến khích, tôn vinh người nghèo là rất quan trọng, chứ không phải cứ cho không mãi” - Thủ tướng lưu ý.
Hơn 48.397 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo
Khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội, Chính phủ sẽ bố trí nguồn lực hơn 48.397 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo bền vững. Quá trình triển khai sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, cơ chế huy động vốn, mở rộng hợp tác quốc tế, lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và các chính sách giảm nghèo đặc thù...
Gốc của vấn đề là nâng cao dân trí, năng lực cho người dân để thoát nghèo bền vững, chứ không chỉ lo cái ăn, cái mặc trước mắt. Chính vì vậy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân; làm sao để tạo đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này.
Với tinh thần quyết tâm như vậy, thay mặt Chính phủ và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời yêu cầu, các địa phương phải xác định, chung tay giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đây vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới các mục tiêu: 1. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5% năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4% /năm; hộ nghèo DTTS giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; 2. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân của người nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo DTTS tăng gấp 2 lần); 3. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; 4. Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo bộ tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân tham gia vào các hoạt động của chương trình để tăng thu nhập… |