Thúc đẩy năng lực sản xuất
Thời gian qua, KH&CN đã thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Minh chứng rõ nét nhất, là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, với việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ đã góp phần tăng (bình quân 9,4%/năm) sản lượng toàn ngành than, đồng thời giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và tạo ra các sản phẩm mới thay thế các sản phẩm nhập khẩu.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN |
Hay trong lĩnh vực điện, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có khả năng thiết kế chế tạo động cơ công suất đến 5MW, các chủng loại biến áp đến 500 kV, chất lượng tương đương sản phẩm của châu Âu, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước thuộc Đông Nam Á có khả năng chế tạo máy biến áp công suất lớn, đáp ứng yêu cầu của đất nước và tiến tới xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta, tính đến nay đã có vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới như: Dệt may (xếp thứ 7 thế giới về xuất khẩu), da giày (xếp thứ 3 thế giới về sản xuất, thứ 2 về xuất khẩu), điện tử (xếp thứ 12 thế giới; trong đó, mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới), thủy sản (xếp thứ 4 thế giới), đồ gỗ (xếp thứ 5 thế giới)… Trong những thành quả này, cũng có sự đóng góp quan trọng của KH&CN - yếu tố then chốt thúc đẩy năng lực sản xuất.
Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng nội lực của ngành công nghiệp trong nước nhìn chung chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…).
Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, đa số DN công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.
Thời gian tới, định hướng chiến lược của Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực cho phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.
Đặc biệt, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và KH&CN, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu DN công nghiệp trong nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong DN công nghiệp hướng đến mô hình nhà máy thông minh…
Theo các chuyên gia, hướng tiếp cận công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới, đó là vừa phải xây dựng nội lực trong nước về các công nghệ sản xuất nền tảng, vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của DN công nghiệp. |