Tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Lê Hoa – VNPI - cho biết: “Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân giai đoạn 2016–2020 của Việt Nam là 5,88%/năm, đạt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hàng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là 5,5%, và cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011–2015 là 4,24%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2020, NSLĐ của Việt Nam bình quân tăng 5,06%/năm”.
Các chuyên gia tham dự hội thảo tại điểm cầu Viện Năng suất Việt Nam |
Báo cáo cũng chỉ rõ, khoa học và công nghệ đã thể hiện vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,5% giai đoạn 2011- 2015 lên 45,7% giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020. Kết quả này có được là một phần do chỉ số thăng hạng về đổi mới sáng tạo đã tác động và làm tăng năng suất lao động.
Theo TS. Trần Đoàn Thắng - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là báo cáo có giá trị tốt phục vụ cho công tác hoạch định chính sách. Báo cáo đã thể hiện và mang tầm quốc gia nó không chỉ phục vụ cho các cơ quan quản lý mà qua đó giúp cho các ngành, doanh nghiệp soi chiếu lại hoạt động của mình để có những thay đổi phù hợp nâng cao sức cạnh tranh trong tương lai.
Tuy nhiên, khi phân tích hệ số tương quan cho thấy, mức độ tương quan giữa chỉ số đổi mới sáng tạo GII và NSLĐ Việt Nam là không chặt chẽ. Các yếu tố đầu ra của đổi mới sáng tạo chưa là động lực để thúc đẩy năng suất. TS. Trần Đoàn Thắng cũng đề nghị cơ quan nghiên cứu cần có những nghiên cứu sâu hơn trong Báo cáo năm tới, đặc biệt cần có những nghiên cứu đánh giá cụ thể về tác động, ảnh hưởng từ các công cụ chính sách của nhà nước đến năng suất lao động tại các ngành, lĩnh vực.
Đáng chú ý, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng FTU - cho biết, báo cáo 2020 đã nêu bật được vai trò khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng thúc đẩy năng suất của Việt Nam trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Báo cáo cũng đề cập tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện để khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng cho tăng năng suất.
“Trong những năm gần đây, thông qua các chương trình hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, chúng tôi đã triển khai nhiều mô hình và chương trình đào tạo tiên tiến gắn với vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng trong các doanh nghiệp cũng như chú trọng đẩy mạnh chuyển giao tri thức, các mô hình, công cụ quản trị hiện đại cho các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp…” - PGS.TS Bùi Anh Tuấn nói.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020 đã phân tích vấn đề năng suất trên nhiều bình diện gồm quốc gia, các ngành và doanh nghiệp, đồng thời tập trung phân tích khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo như là động lực then chốt để nâng cao năng suất của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về năng suất gồm: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), năng suất lao động (NSLĐ) và năng suất vốn, báo cáo đã chỉ rõ những kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam đã đạt được trong việc nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung, cũng như năng suất của các doanh nghiệp nói riêng năm 2020, trong bối cảnh biến động lớn của nền kinh tế thế giới và dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Năng suất đã góp tỷ trọng quan trọng vào tốc độ tăng trưởng 2,91% của Việt Nam trong năm 2020. |