Sở hữu chéo “ẩn mình” dưới nhiều tầng lớp
Từ 2012 đến nay, thực hiện các đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống tổ chức tín dụng của Chính phủ, tình trạng đầu tư, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan từng bước được xử lý nghiêm túc nhưng chưa triệt để...
Trước năm 2016, hệ thống ngân hàng tại Việt Nam tồn tại 3 loại sở hữu chéo là: sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước tại các ngân hàng thương mại cổ phần; sở hữu lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại cổ phần; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân sở hữu cổ phần chi phối tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Trong đó, mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại cổ phần với các tập đoàn tư nhân rất phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình đồng thời là lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.
Thực trạng này đến nay vẫn còn và được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi mà những quy định luật pháp chưa thể đụng đến. Giai đoạn 2016-2020, ngành ngân hàng thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 1058/QĐ-TTG ngày 19/7/2017. Kết thúc giai đoạn này, Kiểm toán Nhà nước và một số cơ quan của Quốc hội đánh giá tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan đã đạt một số kết quả tích cực. Song, vẫn còn đâu đó bên trong sự lòng vòng, lắt léo của các mối quan hệ, “ẩn mình” dưới nhiều tầng lớp do lợi ích nhóm điều phối. Điều này có thể gây hệ lụy khôn lường cho hệ thống ngân hàng, cũng như nền kinh tế.
Thực trạng sở hữu chéo hiện nay vẫn còn và được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi mà những quy định luật pháp chưa thể đụng đến (hình minh họa) |
Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các thành viên chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất... Do đó, tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dự thảo nhiều quy định bổ sung để ngăn chặn.
Một trong giải pháp được Ngân hàng nhà nước đưa ra là sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ mức 5% vốn điều lệ ngân hàng sẽ giảm xuống còn 3%. Sở hữu của một cổ đông là tổ chức, giảm từ mức 15% hiện tại xuống còn 10%, của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng lại có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, chuyên ngành tài chính - Kế toán Đại học Bristol, Anh, cho rằng, việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan để tăng tính đại chúng, chưa chắc đã ngăn chặn được tình trạng sở hữu chéo, bởi cốt lõi vấn đề của ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Ngân hàng tập trung quá nhiều vào bất động sản trong khi lĩnh vực này đang gặp khó khăn khi tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 13,61%, trong đó tín dụng đổ vào bất động sản tăng 15,4%, cổ phiếu 23,85% và trái phiếu doanh nghiệp 17,65%, (theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam)
Theo TS. Tuấn, Sở hữu chéo giữa các nhà phát triển bất động sản và ngân hàng tại Việt Nam đang gặp phải những vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối diện, khi các công ty bất động sản có vốn hóa yếu vay mượn nhiều từ các ngân hàng thông qua mạng lưới phức tạp của các chi nhánh, từ đó đặt các ngân hàng này cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng vào trạng thái rủi ro cao.
“Cần cân nhắc cải cách trong giám sát ngân hàng, coi đây là một nhiệm vụ chính sách công đa diện với nhiều mục tiêu, để đảm bảo ổn định tài chính như giải quyết rủi ro hệ thống; giải quyết thông tin bất đối xứng để bảo vệ người tiêu dùng tài chính; giải quyết các hành vi gian lận và tội phạm để đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường tài chính” - TS, Tuấn nêu quan điểm.
Ngăn ngừa, chống thao túng trong hoạt động ngân hàng là mục tiêu xuyên suốt
Trong khi đó, TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại đặt vấn đề, mặc dù theo Luật các tổ chức tín dụng đã quy định các tỷ lệ về giới hạn sở hữu cổ phần của các cá nhân, tổ chức và người có liên quan nhằm tăng sự an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông có thể đã sử dụng nhiều cách thức, thông qua các mối quan hệ không bị giới hạn theo quy định tại Luật để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần thực tế và nắm quyền chi phối tại các định chế tài chính/tổ chức tín dụng, như cổ đông sử dụng mô hình “cá nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân đó làm chủ” hoặc “cá nhân và công ty cổ phần chưa niêm yết với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó trên 65%”; thông qua người có liên quan và mối quan hệ thành viên gia đình nhưng không bị giới hạn bởi quy định của người có liên quan tại Luật các tổ chức tín dụng.
Khó xử lý hoàn toàn tình trạng sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng |
TS. Vũ Nhữ Thăng cũng nêu thực tế, các công ty có xu hướng không minh bạch thông tin liên quan đến chủ sở hữu và giao dịch có liên quan đến chủ sở hữu và người có liên quan; thiếu thông tin về các cổ đông tổ chức nắm giữ tỷ lệ sát ngưỡng 5% để tránh các quy định công bố thông tin về cổ đông lớn, thường là công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần chưa niêm yết/không phải là công ty đại chúng; công bố thông tin của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và công ty cổ phần chưa niêm yết thiếu, ngay cả khi cung cấp cho các cơ quan quản lý; thiếu quy định về công bố thông tin cổ đông lớn là cá nhân do theo quy định điều 55 Luật các tổ chức tín dụng quy định một cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; hay việc các cổ đông cá nhân tăng sở hữu thực tế thông qua mối quan hệ thành viên gia đình là “hàng cháu” đã tránh được các quy định về người có liên quan nên không phải công khai thông tin của các cổ đông “hàng cháu”. Điều này dẫn đến không đảm bảo được tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng, gây khó khăn trong hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát quyền “chi phối” thực sự của ngân hàng. Một số trường hợp như đứng tên hộ, sử dụng “công ty bình phong”… chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.
Từ phân tích trên, TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng, việc quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ 5% xuống 3% vốn điều lệ, sở hữu của một cổ đông từ tổ chức, giảm từ 15% xuống 10%, hay nhóm cổ đông liên quan từ 20% xuống 15% như quy định của dự thảo sẽ không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Từ đó, TS Vũ Nhữ Thăng nhận định việc “hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng” thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Nói cách khác, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu. Do đó, để hạn chế sở hữu chéo và xử lý được nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì cần làm rõ đối tượng “người có liên quan” trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, với Luật chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Hôn nhân và Gia đình (Khoản 16 Điều 3).
Đồng thời, rà soát bổ sung các quy định về công bố thông tin. Theo đó, cần bổ sung các quy định về việc cổ đông, chủ sở hữu phải công bố thông tin nhằm giám sát hữu hiệu về sở hữu của tổ chức tín dụng. Quy định về công bố thông tin của tổ chức tín dụng (đặc biệt là ngân hàng thương mại) cần phải được quy định chặt chẽ hơn so với các công ty đại chúng, công ty niêm yết theo Luật chứng khoán 2019 (Luật Chứng khoán hiện hành yêu cầu công bố thông tin của cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng...). Cụ thể, nghiên cứu bổ sung quy định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của TCTD trên một mức cụ thể.
Trên phương diện cơ quan soạn thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định, việc ngăn ngừa và chống thao túng trong hoạt động ngân hàng là mục tiêu xuyên suốt và rất quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, việc mong muốn xử lý hoàn toàn và chấm dứt tình trạng này là rất khó nên Ban soạn thảo đặt mục tiêu là hạn chế về mức tối đa.
Phó Thống đốc khẳng định, không có mô hình quốc gia nào phù hợp hoàn toàn với Việt Nam nên khó có thể sao chép được một mô hình nào đó vào điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, cách tiếp cận của Ngân hàng Nhà nước là nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra giám sát để ngăn ngừa kiểm soát rủi ro của hệ thống tổ chức tín dụng.
“Cách tiếp cận của Ngân hàng Nhà nước đối với việc sửa luật lần này nhu cầu đầu tiên là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý hợp lý, phù hợp để ngăn ngừa cũng như xử lý được những rủi ro mang tính hệ thống, rủi ro của từng tổ chức tín dụng” - Phó Thống đốc nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.