Nghệ An: Thị trường xuất khẩu truyền thống sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2023? Doanh nghiệp xuất khẩu Nghệ An gặp khó: Loay hoay tìm giải pháp |
Doanh nghiệp sản xuất khó trăm bề
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm 11,6% so với cùng kỳ 2022. Khó khăn phổ biến của các doanh nghiệp ngành này là giảm cầu tiêu thụ, có thể xuất phát từ lạm phát tăng quá cao, đơn hàng giảm, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu.
Ngành dệt may gặp khó khăn do thị trường giảm, lãi suất cao và đơn hàng giảm. Trong ảnh: Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cùng một số ban, ngành địa phương tìm hiểu thực tế sản xuất tại các nhà máy |
Theo một số doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An, khó khăn từ giữa năm 2022 kéo dài đến nay, do thiếu đơn hàng, nên theo đó các doanh nghiệp không đầu tư mới và có xu hướng chuyển đổi ngành nghề. Dự báo các tháng sắp tới vẫn sẽ là giai đoạn khó khăn đối với doanh nghiệp của ngành dệt may.
Trong khi đó, mặt hàng dăm gỗ có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%, hay đơn hàng nội địa xuất khẩu tại chỗ giảm 30-40%.
Tại Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Nghệ An PP ở xã Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc) chủ yếu xuất sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc… Hiện, đang tồn kho trên 2.500 tấn dăm gỗ. Theo đại diện Công ty này, từ đầu năm 2023 các đối tác dừng thu mua, nhà máy phải hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân. Công ty có 70 lao động thì phải cắt giảm đến một nửa. 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị mới chỉ đạt kim ngạch 604.000 USD, giảm 1,4 triệu USD so với cùng kỳ.
Tương tự, sản phẩm như ván gỗ MDF, ván ghép thanh gặp khó khăn trong xuất khẩu do Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu đang trong thời gian thực hiện điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Một số doanh nghiệp như Tân Việt Trung, Thế Giới Gỗ phải ngừng hoạt động.
Hiện các doanh nghiệp địa phương bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để tồn tại.
Hiện các doanh nghiệp địa phương bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: công nhân dệt may làm việc tại Công ty may Sangwoo ở Khu công nghiệp VSIP Nghệ An |
Tại Nhà máy Frescol Tuna (Khu công nghiệp Nam Cấm), sản xuất đình trệ, công nhân phải giảm giờ làm. Được biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm giảm sản lượng thủy sản, nguồn cá ngừ đánh bắt tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, nguồn cung ứng thiếu hụt và khan hiếm trên toàn cầu. Nhà cung ứng nguyên liệu không thế cung cấp đủ, nhà máy buộc phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất (trong thời gian 1 tháng) do thiếu nguồn nguyên liệu.
Ngành linh kiện điện tử giảm 22,3%, tôn thép các loại giảm 19,1%, dăm gỗ giảm 28,2%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 26,7%; xơ sợi dệt các loại giảm 68,5%; nhóm nhựa thông, tùng hương giảm 28,6%, bột đá vôi trắng siêu mịn giảm 19%,... khả năng đến cuối năm 2023 sẽ có nhiều doanh nghiệp đóng cửa nếu không có gì thay đổi.
Về khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương chia sẻ: Thời gian qua, các thị trường xuất khẩu truyền thống của Nghệ An gặp khó khăn như Trung Quốc mới mở cửa, chuỗi cung ứng chưa hồi phục, chính sách thắt chặt kiểm soát về hàng nông sản, thực phẩm. Hay thị trường Hoa Kỳ, do suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm. Đối với EU, do chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát tăng, các tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe.
“Do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn…”, ông Phạm Minh Tuấn cho biết thêm.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ vốn
Trước khó khăn của các doanh nghiệp, Sở Công Thương Nghệ An đã đề xuất hàng loạt giải pháp về kích cầu đầu tư, hỗ trợ xúc tiến thương mại, cải cách hành chính… trong đó nhấn mạnh đến yếu tố hỗ trợ về vốn.
Mặt hàng tôn thép các loại giảm 19,1% trong 6 tháng đầu năm 2023. |
Sở Công Thương cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu... và đã thế chấp hết tài sản có quyền sở hữu hợp pháp.
Hiện nay muốn vay thêm nhưng không còn tài sản nào để thế chấp, ngân hàng không chấp nhận nhà xưởng làm tài sản đảm bảo nên các doanh nghiệp vô cùng khó khăn.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An: Một số nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Cụ thể, đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế; Thiếu phương án kinh doanh khả thi; Thông tin về tình hình tài chính còn thiếu minh bạch. Trong khi đó, việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua các cơ chế hỗ trợ của nhà nước (Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...) chưa phát huy hiệu quả.
Để giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển, bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh Nghệ An cho biết: Hiện Chi nhánh đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục, hồ sơ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng; tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay. Với các khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ nên Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 02 cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có với doanh nghiệp (đến nay đã thực hiện cơ cấu cho vay cho 110 lượt khách hàng và hiện đang tiếp tục triển khai). Với dư nợ mới, các ngân hàng sẽ tích cực cho vay nếu đủ điều kiện.
Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nỗ lực xuất khẩu sang 126 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số thị trường truyền thống của doanh nghiệp Nghệ An có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 11,14%, Hoa Kỳ giảm 1,5%, Đài Loan (Trung Quốc) giảm 38,6%, Thụy Sỹ giảm 10,6%, Philippines giảm 21,44%, Bangladesh giảm 45,8%... |