Ra mắt trung tâm kết nối, đổi mới sáng tạo, giảm thiểu rác thải nhựa Tạo vòng đời mới cho rác thải nhựa |
Chuỗi triển lãm “Khi nhựa lên tiếng” (Plastic Talk) về sản phẩm truyền thông nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ môi trường tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới trẻ với không gian nghệ thuật được trưng bày tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, diễn ra từ ngày 7/7 - 13/7/2022.
Hoạt động triển lãm được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa cũng như khuyến khích các hành động nhỏ và thiết thực trong bảo vệ môi trường; thúc đẩy túi tái sử dụng để loại bỏ túi nilông dùng một lần tại các chuỗi bán lẻ, hướng tới tiêu dùng bền vững.
Không gian triển lãm tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn |
Tại không gian triển lãm, có 17 tác phẩm đạt giải trong cuộc thi “Plastic Talk - Khi nhựa lên tiếng” được trưng bày. Bên cạnh triển lãm tranh, chương trình còn tổ chức chiếu phim ngắn liên quan đến cuộc thi cũng như về chủ đề hạn chế rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.
Một số tác phẩm đạt giải được trưng bày tại triển lãm |
Chia sẻ về mong muốn cũng như ý nghĩa, thông điệp mà triển lãm muốn truyền tải, chị Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trưởng Ban tổ chức chương trình tại địa điểm này cho biết: “Chương trình mong muốn gửi gắm tới mọi người thông điệp về một môi trường sống, một cuộc sống tốt đẹp hơn khi chúng ta sử dụng các vật dụng làm từ nhựa một cách hợp lý cũng như đề xuất một số phương án tối ưu để bảo vệ môi trường và bảo vệ thế giới xung quanh”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, Trưởng Ban tổ chức tại điểm triển lãm Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn |
“Mình tin chắc rằng, thông qua cuộc thi cũng như triển lãm này, chương trình có thể lan tỏa hơn lối sống tích cực, lối sống bảo vệ môi trường và cách thức nhìn nhận để bảo vệ cuộc sống xung quanh”, chị Hà nói.
Ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên báo động tại Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Bởi vậy ngay từ những ngày đầu mở triển lãm, chương trình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các bạn trẻ.
Ghé thăm triển lãm sau buổi học, bạn Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, sinh viên K66 khoa Đông Phương học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết: “Em cảm thấy mình học được nhiều thứ hơn, những điều ý nghĩa hơn thông qua triển lãm này, ví dụ như các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa, các biện pháp nhằm hạn chế rác thải nhựa trong đời sống hàng ngày”.
Mỹ Hạnh tỏ ra hào hứng khi chia sẻ về những điều bạn học được từ triển lãm |
Nói về cảm xúc sau khi chiêm ngưỡng các tác phẩm tại triển lãm, nhóm sinh viên K64 khoa Xã hội học cảm thấy các bức tranh mang đến góc nhìn khá đa dạng cả về mặt tích cực và tiêu cực của rác thải nhựa cũng như đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa, đặc biệt là những thông điệp vô cùng ý nghĩa về việc hạn chế sử dụng vật dụng bằng chất liệu này vì mục đích bảo vệ môi trường sống.
Nhóm sinh viên chia sẻ về cảm xúc, góc nhìn cá nhân sau khi tham gia triển lãm |
Đồng hành với chương trình từ những ngày đầu tổ chức triển lãm, hai bạn tình nguyện viên Đặng Thị Mỹ Linh (Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội) và Nguyễn Thu Thảo (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) đều mong muốn mọi người có thể chung tay giảm thiểu rác thải nhựa để hướng đến môi trường trong sạch hơn cho chính mình và cho thế hệ sau này.
Hai bạn tình nguyện viên của chuỗi triển lãm ‘Khi nhựa lên tiếng’ |
Theo thống kê của Ban tổ chức, đến nay đã có hơn 200 lượt khách ghé thăm chương trình triển lãm tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, “Khi nhựa lên tiếng” đã khẳng định được sức hút tiềm năng khi mang đến một góc nhìn đa chiều, ý nghĩa về sự tồn tại của “nhựa” đối với con người và môi trường.