Nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”
Năm 2009, Ban Dân vận Trung ương đã phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Từ phong trào này, mô hình “Dân vận khéo” đã được hưởng ứng, nhân rộng trong cả nước và áp dụng trên nhiều lĩnh vực của đời sống.
Với vùng DTTS và miền núi, “Dân vận khéo” cũng được xác định là phong trào có tác động không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Lễ hội Chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) được gìn giữ, phát huy nhờ phong trào “Dân vận khéo” |
Thực hiện phong trào, nhiều địa phương miền núi như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn… đã tùy theo yêu cầu của địa phương mà xây dựng những mô hình “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, tham gia vào xây dựng, thực hiện các mô hình có sự góp mặt của nhiều người có uy tín tại địa phương.
Thực tế đã cho thấy, bằng vai trò và ảnh hưởng của mình, đội ngũ người có uy tín đã những đóng góp không nhỏ trong phong trào “Dân vận khéo”. Từ việc nói cho đồng bào hiểu những cái hay, cái được của các mô hình mà địa phương triển khai; đến vận động đồng bào cùng làm, cùng hưởng ứng, cùng đóng góp để mô hình đạt hiệu quả. Bản thân người có uy tín cũng chính là những người gương mẫu đi đầu, làm trước, hiến trước, thậm chí chịu thiệt thòi để đồng bào nhận ra những lợi ích nếu mô hình thành công.
Trái ngọt sau những phong trào
Trong số những mô hình “Dân vận khéo” thành công, phải kể đến một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Tại tỉnh Bắc Kạn, nhờ có phong trào “Dân vận khéo”, trong 5 năm, tỉnh này đã xây dựng được 500 mô hình, điển hình về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bắc Kạn đã trở thành 1 trong số ít những tỉnh nghèo làm tốt phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tại tỉnh Lai Châu, 3.226 mô hình “Dân vận khéo” đã được triển khai. Trong đó có những mô hình đã và đang có những tác động không nhỏ đến đời sống các hộ còn khó khăn như: Mái ấm cho người nghèo biên giới; mô hình tặng bò giúp người nghèo biên giới; nâng bước em đến trường… Cũng chú trọng giảm nghèo giống Lai Châu, để giúp đồng bào thoát nghèo, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) đã xây dựng 277 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hóa như: Cánh đồng 1 loại giống chất lượng cao – Lúa bao thai; làm nghề giấy Dó – Nà Mạ; nuôi nhím thu nhập cao 100 triệu đồng/hộ/năm.
Hay với tỉnh Hà Giang. Từ vốn văn hoá đa dạng, độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, đội ngũ người có uy tín và Hội nghệ nhân gian đã cùng nhau xây dựng các mô hình gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Có thể kể đến các mô hình như: Lễ hội chợ tình Khâu Vai, Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô…
Đặc biệt, nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự đã và đang tồn tại ở các vùng DTTS, cũng đã được một số tỉnh giải quyết nhờ mô hình “Dân vận khéo” như: Vận động đồng bào Mông dỡ bỏ “nhà đòn” và không tái lập “nhà đòn” theo tín ngưỡng Dương Văn Mình (tỉnh Thái Nguyên). “Mô hình làng, bản văn hóa quốc phòng”, “Nhà trường không có ma túy”, “Tranh thủ người có uy tín, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ” (tỉnh Hòa Bình)…
Có thể thấy, ở mỗi phong trào, lúc thuận lợi hay khó khăn, đều thấy có bóng dáng của người có uy tín. Đó có thể là trưởng thôn, trưởng bản, già làng, bí thư, hay trưởng khu dân cư, trưởng xóm… Dù là ai, thì họ cũng đều có điểm chung, đó là tinh thần hết lòng vì cộng đồng. Với họ, xây dựng bản làng, thôn bản ấm no, hạnh phúc chính là niềm vui; cũng là trách nhiệm mà mỗi người có uy tín đặt ra khi cùng cộng đồng bắt tay triển khai phong trào “Dân vận khéo”.