Cuộc chiến không ngừng nghỉ
Ngày 26/4 vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật đối với hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận do có những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Đáng chú ý, trong số này có 2 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận (nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015, nhiệm kỳ 2015-2020) và 2 nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021) vì đã có những sai phạm rất nghiêm trọng, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư...
Hình minh họa |
Một ngày sau, ngày 27/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ngay lập tức chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, xác định yêu cầu nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Có thể thấy rằng, những cuộc họp liên tục cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ hết sức quan tâm tới công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi đây là việc làm trọng yếu và bền bỉ, thường xuyên, liên tục như “đánh răng rửa mặt hàng ngày”. Điều này không chỉ được thực hiện thời điểm này mà trước đó đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, không có ngoại lệ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và thêm nhiều bài học quý, nhiều kinh nghiệm tốt hơn…Thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên… Đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây...
Thông điệp của người đứng đầu Đảng đã được lan toả rất mạnh mẽ. Minh chứng được thể hiện rất rõ khi từ đầu năm đến nay, chỉ trong thời gian ngắn nhưng các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó khởi tố mới 125 vụ án, 259 bị can về tội tham nhũng). Đặc biệt các cơ quan chức năng đã khởi tố 8 cán bộ diện Trung ương quản lý (1 thứ trưởng; 1 nguyên thứ trưởng; 1 nguyên Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; 5 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Dưới sự giám sát, theo dõi của Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp xảy ra tại Học viện Quân y, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và một số doanh nghiệp như Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh.
Qua các con số kể trên cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong đấu tranh phòng chống “giặc nội xâm” là tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta trong thời gian qua đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản, đồng bộ, lan toả mạnh mẽ từ Trung ương tới địa phương, các cấp, các ngành và đạt được những kết quả rất quan trọng.
Không chỉ chống tham nhũng mà cả tiêu cực, không để “cua cậy càng, cá cậy vây”
Các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, Học viện Quân y, Bộ Ngoại giao…cũng cho thấy công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã đi vào những lĩnh vực mới, khó, nhạy cảm, tồn tại lâu dài như đất đai, tài chính, thị trường chứng khoán…Đảng ta không chỉ đơn thuần đấu tranh với tham nhũng mà bây giờ còn xử lý cả tiêu cực. Không những thế, qua các sự việc này còn cho thấy tham nhũng, tiêu cực như một hệ thống “sâu mọt” trở thành một “căn bệnh” làm tha hoá hàng loạt cán bộ có chức vụ, quyền hạn không chỉ của Trung ương mà còn tại các địa phương. Hệ thống “sâu mọt” này đã mang tính chất tập thể, có tổ chức, có sự cấu kết chặt chẽ giữa cán bộ nhà nước với các đối tượng bên ngoài nhà nước.
Đặc biệt, qua hàng loạt sự việc được đưa ra ánh sáng, Đảng ta một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thực tế “cua cậy càng, cá cậy vây” đang diễn ra tại một số địa phương. Minh chứng là việc hàng loạt lãnh đạo từ Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận suốt từ nhiệm kỳ 2005 đến nay đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật nghiêm trọng nhưng hoàn toàn không bị phát hiện, thậm chí lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ liên tục “nối tiếp” các sai phạm, bao che, cấu kết với nhau để sự việc… “chìm xuồng”. Chỉ đến khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì sự việc mới được đưa ra ánh sáng, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, thâm chí bị khởi tố.
Được biết, sự việc hàng loạt cán bộ của tỉnh Bình Thuận vừa qua bị kỷ luật, khởi tố xuất phát từ những lá đơn kiến nghị của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận (giai đoạn 1992-2000) khi trong suốt thời gian dài đã ‘bền gan, vững chí” đấu tranh, loại bỏ tham nhũng, tiêu cực. Có thể khẳng định, hành động của người Đảng viên lão thành hoàn toàn không phải là “đánh bóng tên tuổi”. Đây một lần nữa cho thấy “ngọn lửa” đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực không khoan nhượng, bền bỉ, toàn diện của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ không chỉ huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc mà còn khắc phục, hạn chế được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đồng thời lan toả, khơi gợi, cổ vũ mạnh mẽ, tạo tinh thần, khí thế mới tới đông đảo tầng lớp nhân dân.
Chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa
Nhìn nhận từ thực tế, có thể thấy rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, xây dựng cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương đã chủ động tấn công, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực bằng việc tổ chức sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật với từng lĩnh vực được giao.
Đặc biệt, thời gian qua, với nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành đã tích cực hoàn thiện Quy hoạch điện 8. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định trước lãnh đạo Chính phủ: Quy hoạch lần này đã khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy hoạch điện trước đó, phát huy hài hòa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tổng thể cân đối chung. Đồng thời, trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương kiên quyết không lồng ghép cơ chế, chính sách trong dự thảo quy hoạch để tạo ra “giấy phép con”, từ đó hạn chế, chủ động phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, Bộ chủ trương xây dựng quy hoạch theo đúng tinh thần của Chính phủ là đặt lợi ích chung lên trên hết, không đầu tư dàn trải, tránh lãnh phí, hao hụt, tiết kiệm hàng tỷ đô-la cho ngân sách.
Đánh giá về dự thảo Quy hoạch điện 8 do Bộ Công Thương chủ trì với sự tham gia của một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng: Quy hoạch có sự đổi mới tư duy, cách làm khi liên quan đến lợi ích của các địa phương, doanh nghiệp, với mong muốn giữ lại nhiều dự án. Quy hoạch được Bộ Công Thương và một số cơ quan liên quan làm thận trọng trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết theo đúng tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.