Cách đây 19 năm, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg lựa chọn ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Sự ra đời của Ngày Doanh nhân Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần tri ân những người doanh nhân đã cống hiến hết mình vào thành công và sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước. Đồng thời, tạo động lực phát triển cho đội ngũ doanh nhân phát triển vững mạnh, đưa con tàu Việt Nam vươn ra thế giới, hòa nhập cùng dòng chảy phát triển thời đại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: Báo Chính phủ |
Lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới như: Vingroup, Viettel, FPT, Vinamilk, Thaco…
Hiện nay khu vực kinh tế tư nhân có khoảng 900 nghìn doanh nghiệp, đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 15 triệu triệu lao động. Đội ngũ doanh nhân cả nước hiện có khoảng 2-3 triệu người. Nếu tính tất cả hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể lên tới 10 triệu người. Năm 2022, tổng vốn của doanh nghiệp đạt gần 50,91 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu thuần gần 27,4 triệu tỷ đồng. Thành quả đó có được từ sự kết hợp của việc quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bên cạnh nỗ lực tự thân, khát vọng riêng trong mỗi doanh nhân.
Mới đây, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này có nhiều nội dung mới so với Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết là kim chỉ nam với những quyết sách cụ thể, đúng và trúng với mong đợi, khát vọng của doanh nhân và xã hội đồng thời phù hợp với yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân xứng tầm thời đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Bác đã từ biệt thế giới này nhưng cho đến nay, tư tưởng, những lời căn dặn của Người vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân nước ta.
Để tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác, cụ thể hoá Nghị quyết số 41-NQ/TW trong thời gian tới cần chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, bịt kín những kẽ hở, thông thoáng nhưng chặt chẽ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh tiến bộ, minh bạch, thật sự bình đẳng để mỗi doanh nhân có điều kiện thuận lợi phát huy trí lực, nguồn lực, năng lực sáng tạo của mình.
Các cơ quan chức năng cần minh bạch về chính sách, quy định pháp luật; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tối giản trong quy trình, lược bỏ các quy định bất hợp lý; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phiền hà để giảm gánh nặng cho doanh nhân trong quá trình vận hành doanh nghiệp, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi.
Trước yêu cầu phát triển mới, hơn lúc nào hết, đội ngũ doanh nhân cần tiếp tục phát huy vai trò, khẳng định vị thế tốt hơn nữa trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.