Doanh nghiệp Khánh Hòa tìm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc Khánh Hòa xuất khẩu vào Nhật Bản đạt 111 triệu USD |
Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa (BHXH Khánh Hòa) thông tin, đến hết tháng 9/2023, BHXH Khánh Hòa đã thu được hơn 2.897 tỷ đồng. Tổng nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) là hơn 262 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị nợ BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ – BNN là hơn 211 tỷ đồng, lãi chậm đóng hơn 45 tỷ đồng, ngân sách nợ BHYT là gần 6,5 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, Khánh Hòa có 1.790 đơn vị (đã loại trừ 673 đơn vị không còn hoạt động) còn nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 172 tỷ đồng.
Trong đó, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 1.726 đơn vị với số tiền nợ hơn 106 tỷ đồng; số đơn vị trên địa bàn thành phố Nha Trang nợ từ 1 tháng trở lên chiếm tỷ trọng lớn so với tổng số đơn vị nợ và số nợ toàn tỉnh.
Ngoài ra, có 568 đơn vị (đã loại trừ 641 đơn vị không còn hoạt động) nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 6 tháng trở lên với số tiền hơn 97 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có hơn 70 đơn vị nợ bảo hiểm từ 36 tháng trở lên. Theo BHXH Khánh Hòa, một số đơn vị có số nợ lớn, tiếp tục nợ, thiếu phối hợp với cơ quan BHXH để trả nợ như Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Nha Trang (nợ 80 tháng với số tiền hơn 11,1 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Cam Ranh (nợ 86 tháng với số tiền hơn 14,1 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xây dựng Cấp Thoát Nước số 12 (nợ 49 tháng với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du thuyền (nợ 43 tháng với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng Trường An (nợ 43 tháng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng);...
BHXH Khánh Hòa cho biết, trong tháng 10, sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trực tiếp đến các đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên để đôn đốc thu. Đồng thời, tổ chức đối thoại giữa cơ quan BHXH và chủ sử dụng người lao động; người lao động để giải quyết những vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT;...