Đảm bảo đủ hàng, không sốt giá trong dịch bệnh
Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9, diễn ra ngày 29/9 cho thấy, thị trường hàng hóa thế giới trong tháng 9 tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, có tác động tiêu cực đến cung cầu, giá cả của nhiều hàng hóa trên thế giới. Iran và Libya tăng lượng dầu xuất khẩu bất chấp nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC+, tồn trữ dầu của Hoa Kỳ giảm, kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ tung thêm gói kích thích kinh tế, nhu cầu nhiên liệu giảm do số lượng ca nhiễm Covid-19 tiếp ục tăng ở nhiều quốc gia sử dụng dầu lớn như châu Âu và Hoa Kỳ. Cũng trong tháng 9, giá USD và giá bàng tiếp tục có biến động gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu được định giá bằng USD.
Ở trong nước, thị trường hàng hóa tháng 9 và 9 tháng đầu năm mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 và tác động từ biến động thị trường thế giới nhưng do có sự điều hành sát sao của Chính phủ và các Bộ ngành chức năng nên về cơ bản, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng sốt giá nghiêm trọng như nhiều nước trên thế giới khi dịch bệnh bùng phát.
Ổn định cung cầu hàng hóa trong mọi hoàn cảnh |
Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, trên thị trường xảy ra hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm ngắn tại một số địa phương có ca nhiễm bệnh trong cộng đồng gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng, Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo các doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương có sự chuẩn bị hàng hóa và triểu khai quyết liệt các giải pháp tăng nguồn cung, đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời phối hợp với cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ về nguồn hàng để ổn định tâm lý người dân.
Hưởng ứng chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phân phối đã có phương án dự trữ, vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu. Trong trường hợp thiếu nguồn hàng, Bộ Công Thương đã có phương án hỗ trợ, điều phối nguồn hàng thiết yếu liên tỉnh khi cần thiết. Nhờ đó, nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu khá dồi dào. Riêng tại siêu thị, hàng hóa luôn được dự trữ tăng lên nhiều lần so với ngày thường, giá cả ổn định trong suốt các giai đoạn dịch bệnh.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 đạt 441.450 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 3.673.532 tỷ đồng, tăng 0,7% so vói cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là một trong những điểm sáng của kinh tế vĩ mô trong 3 quý đầu năm khi vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng.
Cùng với mức tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kềm chế khá tốt khi tháng 9/2020 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước. Tính chung, CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
9 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8%, trong đó xuất khẩu đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2%; nhập khẩu đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8%. Cán cân thương mại 9 tháng tiếp tục xuất siêu, đạt mức 16,99 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Khẩn trương lên kế hoạch cho những tháng cuối năm
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cộng với dịp lễ Tết cuối năm đang đến gần, dự báo, nhu cầu hàng hóa sẽ tăng rất cao. Do đó, các địa phương đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng cho dịp Tết, trong đó không loại trừ khả năng dịch bệnh có thể quay trở lại.
Ông Trần Trí Dũng - Trưởng phòng Quản lý thương mại – Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp nhằm kích thích tiêu dùng, sản xuất nguồn hàng phục vụ nhu cầu tăng cao vào cuối năm.
Bên cạnh đó, để tạo động lực luân chuyển hàng hóa, giải phóng hàng tồn để tái sản xuất, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã liên tục tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các hội nghị hội thảo phổ biến, giải đáp về các hiệp định mới ký kết, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định.
Mới đây nhất, trong 4 ngày từ 24-27/9, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và 41 tỉnh, thành phố năm 2020. Sự kiện đã thu hút hàng nghìn doanh nghiệp với hàng trăm mặt hàng đặc sản địa phương, là cơ hội kết nối cung cầu hiệu quả cho không chỉ doanh nghiệp thành phố mà còn cả doanh nghiệp các tỉnh thành lân cận.
“Ngay từ tháng 3, khi dịch bệnh bùng phát, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường cho cả năm nay, có tính đến việc tăng cung. Từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết, TP Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ, kể cả trong trường hợp dịch bệnh quay trở lại” – ông Trần Trí Dũng nói.
Tại Hà Nội, bà Hoàng Thị Diệu Hồng – Trưởng phòng Quản lý thương mại – Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng cuối năm trên cơ sở bám sát tình hình thị trường để tham mưu cho thành phố. Hà Nội cũng xác định phối hợp với các địa phương phương đưa nguồn hàng các tỉnh thành khác như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào Hà Nội để vừa hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, vừa đa dạng nguồn cung hàng hóa cho người tiêu dùng Thủ đô.
Kế hoạch kích cầu tiêu dùng nội địa từ nay đến cuối năm là Hà Nội sẽ tổ chức một loạt các sự kiện kích cầu tiêu dùng như như Tháng Khuyến mại tập trung, Hội chợ Kết nối cung cầu gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trên 30 chuyến bán hàng lưu động, 12 phiên chợ hàng Việt, Hội chợ đặc sản vùng miền… Về cơ bản, sẽ đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa những tháng cuối năm.
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương khẳng định, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều là các địa phương lớn, có sức tiêu thụ hàng hóa lớn. Việc tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, tạo sự lưu chuyển, hỗ trợ các địa phương lân cận tiêu thụ tốt hàng hóa.