Dệt may Việt Nam ở đâu trên thị trường thế giới? Đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới, xuất khẩu dừa hướng mốc 1 tỷ USD |
Ngày 6/3/2023, Tổng cục Quản lý thị trường khai trương Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm với chủ đề “Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường” tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Tại Phòng trưng bày “Nhận diện hoá – mỹ phẩm vi phạm trên thị trường”, hơn 500 đơn vị sản phẩm hoá - mỹ phẩm vi phạm được trưng bày nhằm giúp người tiêu dụng tham quan và nhận diện thật - giả.
Tổng cục Quản lý thị trường khai trương Phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm với chủ đề “Nhận diện hoá – mỹ phẩm vi phạm trên thị trường” |
Tham quan phòng trưng bày, chị Phạm Huyền Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, các sản phẩm giả được làm rất công phu, tỉ mỉ, nếu không có sản phẩm thật để so sánh, người tiêu dùng rất khó để phân biệt, rất dễ mua, sử dụng phải hàng giả, hàng vi phạm. Đơn cử như sản phẩm thuốc elevit sản xuất tại Úc này, bằng mắt thường rất khó phân biệt.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cùng khách mời tham quan khu trưng bày, giới thiệu nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường |
Tuy nhiên, "qua việc trưng bày ở đây, tôi có thể phân biệt được rằng, loại thuốc này không đóng vào chai mà ở dạng vỉ thuốc; mẫu mã của elevit thật, hàng chính hãng Úc sẽ có màu trắng, chỉ đóng gói theo hình chữ nhật màu trắng hồng 100 viên/hộp, gồm 10 vỉ, mỗi vỉ có chứa 10 viên thuốc. Ngoài ra, không có tờ hướng dẫn hay bất kì giấy tờ nào khác có trong hộp. Bên cạnh đó, viên thuốc elevit có màu trắng, hình bầu dục với chiều dài 17mm, bên ngoài không có mùi, không vị" - chị Phạm Huyền Trang chia sẻ.
Trưng bày nhận diện sản phẩm thuốc elevit sản xuất tại Úc hàng giả - hàng thật |
Trên thực tế, thời gian vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ liên quan đến các sản phẩm hoá phẩm, mỹ phậm, dược phẩm vi phạm, hàng lậu, gian lận thương mại. Điển hình, vụ việc Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra, phát hiện tại 2 địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn quận Gò Vấp chứa trữ, kinh doanh hàng chục nghìn sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện các dấu hiệu nhận biết sản phẩm thật, vi phạm của một số hàng hóa được trưng bày, giới thiệu tại phòng trưng bày |
Tại điểm kinh doanh nằm ở địa chỉ 227/25 Nguyễn Tư Giản, phường 12, quận Gò Vấp, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường thành phố đã phát hiện và thu giữ hơn 6.000 sản phẩm là dầu gió xanh Singapore, tẩy tế bào chết spa, dầu xả bưởi, kem body Bạch Ngọc Liên, kem dưỡng da Pháp, bông tẩy trang... Theo giá trị đang được niêm yết trên thị trường mạng, lô hàng có tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng.
Còn tại điểm kinh doanh 284/1 Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp, tổ công tác khác của Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường thành phố đã thu giữ gần 340 thùng hàng hóa với tổng số lượng hơn 30.000 tuýp/chai các sản phẩm là khử mùi Coast, Gel lột mụn 24k Gold mask, nước hoa OUD AL SUNTAN, nước hoa Karri, xịt chống nắng M’AYCREATE. Lô hàng có tổng trị giá hơn 700 triệu đồng. Tổng trị giá số hàng hóa là gần 2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, toàn bộ hàng hóa chủ yếu được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, không có cửa hàng cũng như thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp. Bước đầu, lực lượng chức năng nhận định toàn bộ số hàng hóa tại hai địa điểm kinh doanh trên đều có dấu hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Sản phẩm hàng hoá vi phạm |
Hay mới đây, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hoá tại Khu đô thị Times City. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ gần 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu thuốc và thực phẩm chức năng tương đương hàng triệu viên các loại hình viên nhộng. Tất cả các viên thuốc được đựng trong các túi lớn, không có bao bì nhãn mác. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các giấy tờ hợp pháp liên quan đến kinh doanh các loại hàng hóa trên.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm trên thị trường thì việc mở cửa phòng trưng bày "Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường" sẽ giúp người tiêu dùng trang bị thêm khả năng nhận biết về sản phẩm để hạn chế một cách thấp nhất những rủi ro trong quá trình mua sắm.
Viên sủi bị làm giả được trưng bày nhận diện |
Hoá phẩm, mỹ phẩm là những sản phẩm có tỉ lệ làm giả rất là cao trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, mạng xã hội rất phát triển và trở thành kênh quảng cáo, bán hàng rất mạnh, các sản phẩm hoá phẩm, mỹ phẩm kém chất lượng cũng vì thế đến tay người tiêu dùng nhanh hơn. Trong vài năm trở lại đây, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra, khởi tố rất nhiều vụ việc liên quan đến hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả với số lượng lớn - ông Linh cho hay.
Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, lực lượng cũng xác định hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm liên quan đến sức khoẻ của người dân, do vậy đây là mặt hàng trọng điểm trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại của lực lượng quản lý thị trường, nhất là trên môi trường Internet. Đặc biệt, trong năm 2023, ngay từ đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường cũng có những chuyên đề phát hiện, tấn công vào các cơ sở kinh doanh vi phạm liên quan đến việc các mặt hàng hoá phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm.
Bên cạnh đó, việc mở của phòng trưng bày lần này sẽ là một kênh thông tin để khách tham quan, người dân tìm hiểu thông tin, nhận diện các sản phẩm hoá - mỹ phẩm giả nhằm có sự lựa chọn tốt nhất có bản thân và gia đình.
Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm với chủ đề “Nhận diện hoá - mỹ phẩm vi phạm trên thị trường” mở cửa miễn phí từ ngày 6/3 đến hết ngày 12/3 tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |