Theo số liệu thống kê từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), 10 tháng năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 7,204 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam hiện đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều nhất mặt hàng này vào Hoa Kỳ.
Trong các thị trường xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, Hoa Kỳ chiếm ưu thế tuyệt đối với 60% tỷ trọng, cách rất xa thị trường thứ hai là Trung Quốc với 10%, Nhật Bản 9%, Hàn Quốc 6%...Tại Hội thảo- Giao thương trực tuyến Việt Nam – Hoa Kỳ đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực đồ gỗ, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 16/12, ông Nguyễn Hoài Bảo - Đại diện Ban Thường vụ HAWA, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Scansia Pacific, cho rằng: Dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng không có nghĩa ngành gỗ Việt Nam không thể mở rộng thị phần tại Hoa Kỳ.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện HAWA cũng chỉ ra, thiếu container là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ trong gia tăng xuất khẩu. Tình trạng này là một phần nguyên nhân khiến chi phí vận tải tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra. 1 container hàng sang Hoa Kỳ hiện doanh nghiệp mất từ 20.000-30.000 USD. Chi phí logistics tăng cao, thậm chí doanh nghiệp không tìm được kho tạm lưu hàng hoá. “Chi phí quá cao cộng vào giá thành khiến gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang bị lép vế cạnh tranh trên thị trường. Kiểm soát chi phí là yếu tố cần thiết của doanh ngành gỗ xuất khẩu hiện nay”, đại diện HAWA nói.
Còn dư địa cho đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ |
Theo đại diện HAWA, có 3 điểm chính để tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đầu tiên là phát triển bền vững. Đa số khách hàng trẻ hiện nay rất quan tâm tới bảo vệ môi trường. Các chuỗi siêu thị trên thị trường Hoa Kỳ đều đòi hỏi các tiêu chuẩn liên quan đến nguồn gốc gỗ để đảm bảo rằng không ảnh hưởng đến môi trường. Cùng đó là yêu cầu về chỉ số về xã hội, môi trường, quản trị (ESG), nếu không đáp ứng doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận các nhà mua hàng lớn của Hoa Kỳ.
Thứ hai là yếu tố kỹ thuật. Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản trị rất quan trọng, giúp doanh nghiệp kiểm soát dòng hàng và chi phí. Đầu tư vào tự động hoá cũng là một giải pháp giúp doanh nghiệp tránh được sự cạnh tranh về nguồn lao động, được dự báo sẽ rất khắc nghiệt trong thời gian tới, đồng thời giảm phụ thuộc vào lao động phổ thông, tăng năng suất lao động. Thương mại điện tử, kèm theo đó là các giải pháp đóng gói phù hợp với hình thức giao hàng online là một hướng tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Thứ ba là truyền thông tiếp thị. Trong 2 năm qua, do tác động của dịch Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp không được tổ chức, kênh xúc tiến thương mại qua nền tảng số và giao thương trực tuyến đã phát huy hiệu quả. Do vậy, theo ông Nguyễn Hoài Bảo, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ cho các kênh trực tuyến, phát triển thương mại điện tử, thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin với đối tác.
Từ kinh nghiệm thành công khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hoa Kỳ, bà Lê Thúy Luy – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nghiệp Gỗ Trường Thành, chia sẻ: Nhà nhập khẩu Hoa Kỳ thường yêu cầu nhà sản xuất có đẩy đủ các chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng minh được năng lực sản xuất, đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu. Đối tác Hoa Kỳ thường thanh toán trả chậm từ 45-90 ngày, việc chuẩn bị nguồn vốn lưu động tốt sẽ giúp doanh nghiệp chủ động dòng tiền. Doanh nghiệp đa dạng dòng sản phẩm, khép kín chuỗi sản xuất để mở rộng đối tượng và phân khúc khách hàng.
“Riêng với hạn chế không có các thiết kế bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng tại Hoa Kỳ, Công ty CP Công Nghiệp Gỗ Trường Thành đã bắt tay với nhà thiết kế tại thị trường sở tại để khắc phục, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu, có hàm lượng kỹ thuật cao. Công ty cũng đã đầu tư cho khâu đóng gói phù hợp với hình thức bán hàng online tại Hoa Kỳ”, bà Luy nói.
“Hãy làm việc với công ty thiết kế Hoa Kỳ bởi họ là người hiểu thị trường Hoa Kỳ nhất và tạo ra sản phẩm sát nhu cầu nhất”, ông Tom Russell - Chuyên gia ngành nội thất, Tổng biên tập- Home News Now đồng tình.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, triển vọng của năm 2022 khá khả quan, thị trường nhà cửa ở Hoa Kỳ khởi sắc mạnh mẽ; lãi xuất ngân hàng thấp khuyến khích được người tiêu dùng vay để mua sắm, trong đó có nhà, đồ nội thất trang trí; tỷ lệ lao động làm việc tại nhà vẫn cao. Những yếu tố này là xu hướng khả quan, có khả năng thúc đẩy doanh thu của ngành gỗ.
“Một lời khuyên nữa, thị trường Hoa Kỳ rất quan tới tâm tính an toàn của sản phẩm, do vậy hãy nghiên cứu kỹ thị trường, trao đổi với khách hàng tiềm năng để lắng nghe xu hướng. Đừng chỉ đơn giản bán hàng dọn kho cho khách hàng mà hãy bán những sản phẩm thực sự đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, luôn luôn chuẩn bị đáp ứng các quy định ngặt nghèo về chất lượng của thị trường Hoa Kỳ”, ông Tom Russell lưu ý.