Sức cạnh tranh được cải thiện
2021 là năm "vạn sự khởi đầu nan" với UKVFTA, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UK) đạt 6,6 tỷ USD, tăng trưởng 17,2% so với năm 2020. Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ireland) - cho rằng, UKVFTA đã đóng vai trò "đòn bẩy" vững chắc. Nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021, nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có FTA với Anh.
Xuất khẩu sắt, thép các loại sang Anh tăng nhanh |
Thực tế, sau gần 1 năm chính thức đi vào thực thi, các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, phở ăn liền, bánh bao, rau, quả đã lên kệ các siêu thị trung và cao cấp của Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng công nghiệp cũng tăng trưởng cao như: Xuất khẩu sắt, thép các loại tăng 1.269%; sản phẩm gốm, sứ tăng 32%; phương tiện vận tải, phụ tùng tăng 34%; máy móc, thiết bị tăng 16%. Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), chính sự bổ trợ thương mại song phương đã giúp 2 bên tận dụng hiệu quả hiệp định này.
Rau, quả là mặt hàng tận dụng khá tốt Hiệp định UKVFTA, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng 67%. Ông Đinh Cao Khuê - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau, quả Việt Nam - chia sẻ, Việt Nam có vị trí địa lý trải dài từ Bắc đến Nam với vùng vải Lục Ngạn, xoài Sơn La, thanh long Bình Thuận… Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên có sản phẩm chanh leo cạnh tranh được với sản phẩm tại khu vực Nam Mỹ… Một số bạn hàng và khách hàng thị trường Anh từng bước cũng quen dần với sản phẩm rau, quả của Việt Nam.
Nhìn ở bình diện rộng hơn tới hầu hết các ngành hàng xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) - đánh giá, UKVFTA là FTA có lợi thế tương đối mạnh so với các FTA khác mà Việt Nam đã thực hiện. Hiệp định UKVFTA có khoảng thời gian "chạy đà", trong khi các FTA khác không có.
Mở rộng thị phần
Hiện nay, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại "Global Britain" nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quốc gia này cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức "có đi có lại" với đối tác nước ngoài thông qua các FTA.
Ông Nguyễn Cảnh Cường thông tin, Vương quốc Anh thúc đẩy đàm phán các FTA với 19 quốc gia hoặc liên minh các quốc gia, trong đó, tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ; chủ trương kế thừa toàn bộ các FTA của EU đang có hiệu lực. Ngoài ra, Anh cũng quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… "Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP" - ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để các bộ, ngành căn cứ vào đó thực thi Hiệp định UKVFTA, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thực tế tiếp cận cho thấy, có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh, tư duy theo lối an toàn, tập trung nhiều vào thị trường vốn đã quen, thị trường truyền thống mà chưa chú trọng sang các thị trường Việt Nam có FTA lớn, kể cả FTA vừa ký kết. "Có không ít doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Muốn tận dụng hiệu quả UKVFTA, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, thoát khỏi vùng an toàn để kinh doanh thị trường mới" - ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu; tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các các tập đoàn phân phối lớn. "Nếu doanh nghiệp Việt Nam giữ vững được sự tín nhiệm của bạn hàng và kiên định thực hiện được cam kết giao hàng, đảm bảo chất lượng, thị phần hàng hóa Việt Nam tại Anh sẽ từng bước gia tăng" - ông Nguyễn Cảnh Cường nói.
Từ ngày 18/3, Chính phủ Anh đã dỡ bỏ mọi quy định hạn chế đi lại quốc tế. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế quốc gia này phục hồi nhanh sau đại dịch, nhu cầu hàng tiêu dùng tăng.