Ngành cơ khí chế tạo: Làm chủ công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa Cách nào tạo dựng thị trường cho ngành cơ khí Việt Nam? |
Sáng 27/6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) tổ chức “Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024”.
Đại biểu tham dự Tuần lễ kết nối giao thương và giới thiệu sản phẩm ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử năm 2024 (Ảnh: Thanh Minh) |
Sự kiện diễn ra đến ngày 3/7/2024, tại Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, số 92 - 96 Nguyễn Huệ, quận 1.
Với thông điệp “Kết nối - Hợp tác - Phát triển”, sự kiện quy tụ hơn 50 doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực cơ khí, máy móc, thiết bị điện và công nghệ số. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tìm kiếm đối tác kinh doanh, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh). |
Chia sẻ tại tuần lễ, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh bày tỏ, thông qua chương trình này, ITPC hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, công nghệ số, điện và điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
Với vai trò là đầu tàu kinh tế, TP. Hồ Chí Minh luôn tích cực, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế thế giới biến động như hiện nay.
Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc (Ảnh: Thanh Minh). |
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh đã tích cực ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
“Chính từ những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cùng với chính sách hỗ trợ xuất khẩu đã giúp TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về kim ngạch xuất nhập khẩu trong nhiều năm qua”, ông Trần Phú Lữ nhấn mạnh.
Mỗi sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại đây đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu (Ảnh: Thanh Minh). |
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Thành phố qua cảng, cửa khẩu cả nước ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 13% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6%. Hầu hết kim ngạch xuất khẩu theo mặt hàng và thị trường đều tăng so với cùng kỳ, là điểm sáng và mang đến kỳ vọng về sự tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Thanh Minh). |
Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) cũng cho rằng, việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
“Hiện HAMEE đang triển khai dự án Made by VIETNAM, nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá cho các doanh nghiệp Việt với các sản phẩm công nghiệp Việt tại thị trường nội địa, cũng như kết nối đến thị trường các nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Dự án Made By VIETNAM nhằm tạo hệ sinh thái hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng cao chất và lượng của sản phẩm Việt”, ông Trần Hoài Nam chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, các sản phẩm được các doanh nghiệp lựa chọn trưng bày tại tuần lễ này thuộc các nhóm ngành cơ khí chế biến chế tạo phục vụ các ngành công nông nghiệp, ngành xây dựng, ngành chế biến gỗ…; sản xuất thiết bị điện và điện tử; công nghệ số… đến từ các doanh nghiệp như Công ty TNHH Máy Thép Việt, Công ty cổ phần Cơ khí Hồng Ký, Công ty cổ phần Tập đoàn Cơ khí Công nghệ cao Siba, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xây dựng Điện Bích Hạnh và nhiều doanh nghiệp khác.
Đặc biệt, mỗi sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại đây đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao đáp ứng xuất khẩu hoặc có tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp với mong muốn giới thiệu với đối tác trong nước và quốc tế.
Doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu giới thiệu sản phẩm tiên tiến nhất tại sự kiện (Ảnh: Thanh Minh) |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Hoàng Long - Trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Cơ khí Hồng Ký cho biết, đây là lần đầu tiên tham gia sự kiện triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dòng máy hàn tiên tiến nhất đó là công nghệ hàn IGBT. Do đó, doanh nghiệp mong muốn kết nối với doanh nghiệp công nghiệp hoặc dân dụng… để mang đến một sản phẩm hiệu quả nhất cho công việc. Đông thời mong muốn kết nối với nhiều đối tác, nhà cung ứng để thúc đẩy, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mong muốn của Công ty cổ phần Cơ khí Hồng Ký cũng là mong muốn chung của các doanh nghiệp, của TP. Hồ Chí Minh khi tham gia hoạt động này.
Trong khuôn khổ của Tuần lễ cũng diễn ra hội thảo chuyên đề "Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất việt nam thông qua chuyển đổi kép” nhằm kết nối gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đối tác trong và ngoài nước; và Tọa đàm “Đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng sản xuất xanh bền vững” nhằm tạo cơ hội kết nối doanh nghiệp với nguồn nhân lực chuyên ngành từ các Trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề.