Hội chữ Xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám diễn ra từ ngày 3 đến 19/2/2024 Hà Nội: Sĩ tử đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu may trước ngày ''vượt vũ môn'' |
Trong khuôn khổ Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP. Hồ Chí Minh”, ngày 24/8, UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ Khai mạc Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài” tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Đại biểu tham dự lễ khai mạc Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài”. Ảnh: Thanh Minh. |
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo quận Hoàn Kiếm, quận 3, Ban Giám hiệu, giáo viên và hơn 1.000 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn và học sinh trên địa bàn quận 3... tham dự.
Chia sẻ tại Triển lãm, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội cho biết: Triển lãm sẽ giới thiệu đến các thầy cô giáo, các em học sinh và nhân dân TP. Hồ Chí Minh nét đẹp sâu lắng về một Thăng Long Hà Nội, về một Văn Miếu - Quốc Tử Giám - biểu tượng cho tinh thần và trí tuệ Việt, với các hoạt động giáo dục di sản và những trải nghiệm thú vị.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm “Văn Miếu- Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài”. Ảnh: Thanh Minh. |
“Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Cách đây gần 1.000 năm, nơi đây là trung tâm đào tạo cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ, được lập ra với mụch đích đào tạo nhân tài cho đất nước. Những người sáng lập, xây dựng, phát triển, gìn giữ ngôi trường này là các vị hoàng đế, phẩm quan, học giả mà điểm chung của họ đều là người đức độ, thông tuệ, có tầm nhìn về giáo dục - phát triển giáo dục để xây dựng đất nước tự chủ, đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mỗi người dân” - ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Học sinh xem kính thực tế ảo về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Minh. |
Trải qua những thăng - trầm của lịch sử, ngôi đền trí thức Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn được người dân Việt Nam gìn giữ với tinh thần thành kính trước các bậc tiền nhân. “Ngày nay, ngôi trường là một di sản quý giá, tiếp tục là nguồn mạch chảy, cảm hứng mạnh mẽ, nuôi dưỡng cho lớp lớp thế hệ trẻ về việc học tập suốt đời và tinh thần phụng sự xã hội, để mạch nguồn văn hóa Việt Nam chảy mãi, hòa chung vào dòng chảy của nhân loại", Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội bày tỏ.
Học sinh thích thú lăn mực tàu trên giấy bản. Ảnh: Thanh Minh. |
Theo ghi nhân của phóng viên tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, các em học sinh rất thích thú khi hòa mình vào không gian triển lãm, được trải nghiệm viết thư pháp, lăn mực tàu, nghe giới thiệu về lịch sử hình thành Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trải nghiệm các trò chơi trí tuệ, thú vị, bổ ích như “cụ rùa” bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thế giới ảo giới thiệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những hình ảnh trực quan về những người sáng lập ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tương tác với thầy đồ…
Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn thích thú xem viết thư pháp. Ảnh: Thanh Minh. |
Chia sẻ tại buổi triển lãm, em Nguyễn Ngọc bảo Diệp (lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, quận 3) cho biết: Em thấy vui và tự hào về Hà Nội, về đất nước, và vàng tự hào hơn về truyền thống hiếu học của dân tộc mình, em quyết tâm cố gắng để tiếp bước cha ông trên con đường học vấn.
Trong khi đó, em Võ Văn Hùng, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn bày tỏ: Tại triển lãm, em rất thích thú khi được xem kính thực tế ảo, có cảm giác như đang được trải nghiệm thực tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vậy. Đây thực sự là trải nghiệm thú vị, đầy ý nghĩa và đáng nhớ.