Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-29/6 tại 63 tỉnh, thành phố, với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước. Trong đó, số thí sinh tự do đăng ký dự thi là 45.344 thí sinh.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học. Hơn 700 năm hoạt động, đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền, đồng thời cũng là trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Bởi vậy, với tâm lý "có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành", nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc của các sĩ tử trước mỗi mùa thi.
|
Bên cạnh việc học tập nâng cao tri thức, thì việc đến Văn Miếu dâng hương, cầu may cũng là một biện pháp giúp các sĩ tử ổn định về mặt tâm lý, tự tin hơn trước khi bước vào kỳ thi. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, những ngày này lượng khách tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám tăng cao và tấp nập từ sáng sớm.
Chị Bùi Hồng Ngoan (42 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái đi thi mà cả nhà hồi hộp từ mấy ngày trước rồi. Nay tôi tranh thủ nghỉ làm buổi sáng, đưa con đến Văn Miếu từ sớm. Cả tối qua, hai mẹ con loanh quanh chuẩn bị đồ lễ, soạn trước nội dung cầu may mắn đến nửa đêm mới xong. Cũng chẳng mong gì hơn là được các bậc thánh hiền ở Văn Miếu phù hộ cho con và các thí sinh khác tự tin làm bài thật tốt trong kỳ thi THPT năm nay”.
|
Tại quầy bán chữ, thầy đồ làm việc không ngơi tay. Ghi nhận trong khoảng 30 phút, từ 13h10 đến 13h40, thầy đồ đón không dưới 20 lượt khách. Chữ được xin nhiều nhất là chữ “Đỗ” và chữ "Đạt". Giá cho mỗi chữ là 100.000 đồng. |
Em Tống Hà Giang cùng nhóm bạn học trường THPT Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, mai là ngày làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nay cả nhóm tranh thủ bắt xe buýt qua Văn Miếu làm lễ cầu may ngay.
“Hôm nay em cùng các bạn đi lễ cầu may cho kì thi sắp tới. Sau khi lễ xong ở Văn Miếu, chúng em đều cảm thấy rất tự tin. Cùng với lượng kiến thức mà em đã ôn luyện tốt trong thời gian qua, em nghĩ mình sẽ đỗ nguyện vọng một vào Học viện Tài chính. Em và các bạn đều muốn có tâm lí thật tốt trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT”, em Giang nói thêm.
|
Khu nhà Thái Học tại Văn Miếu luôn nghi ngút hương khói của các sĩ tử tháp, cầu nguyện. |
Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/6 đến 28/6. Sau khi tốt nghiệp THPT, mỗi học sinh sẽ chọn cho mình một con đường riêng nhưng được đặt chân vào cánh cổng trường đại học luôn là ước mơ lớn của các cô cậu học trò tuổi 18.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Báo Công Thương ghi nhận được tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám các ngày 24/6 - 25/6:
|
Chiều ngày 24/6 - 25/6, nơi bán vé của Văn Miếu - Quốc Tử Giám tấp nập,những người trẻ tuổi đến làm lễ cầu may trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2024. Giá vé vào cổng Văn Miếu dao động từ 35.000 – 70.000 đồng/người. |
|
Con đường dẫn vào bên trong khuôn viên Văn Miếu tấp nập người ghé thăm. |
|
Nhiều sĩ tử dừng chân tại các quầy lưu niệm để mua vài vật phẩm cầu may trước khi dâng hương tại Văn Miếu. |
|
Các sĩ tử đang cùng ghi thêm thông tin cá nhân như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số báo danh, số điểm mong muốn... vào tờ sớ. |
|
Mỗi lá sớ vàng được bán lẻ với giá dao động từ 15 - 20.000 đồng/sớ. |
|
Bút, vở, đèn và sớ cầu thi, là những vật được bày biện trên khay lễ cầu may mắn của các sĩ tử khi tới với văn miếu những ngày này. Mỗi sĩ tử đều mang tới văn miếu những nguyện cầu của riêng mình. |
|
Trước áp lực của kỳ thi mang đến thay đổi lớn của cuộc đời học sinh, nhiều bậc phụ huynh "đồng hành" cùng con em đến Văn Miếu để cầu đỗ đạt. |
|
Dù là xưa hay nay, câu chuyện tâm linh, cầu may của các sĩ tử trước các kỳ thi quan trọng vẫn luôn tồn tại. Đó là một nét tín ngưỡng, văn hóa truyền thống của dân tộc. |