Phiên chợ Vải Hưng Yên năm 2024 được tổ chức trong hai ngày từ 1/6 - 2/6 với quy mô 50 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn trong tỉnh. Trong đó, 30 gian hàng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm quả vải tươi; 20 gian hàng giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của tỉnh.
Các đại biểu cắt băng khai mạc phiên chợ vải Hưng Yên năm 2024 (Ảnh: BHY) |
Phiên chợ Vải Hưng Yên năm 2024 mở đầu cho chuỗi sự kiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá và khẳng định chất lượng sản phẩm vải Hưng Yên nói riêng và nông sản tỉnh Hưng Yên nói chung với người tiêu dùng.
Đây cũng là dịp để các hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vải lai chín sớm Phù Cừ, vải trứng Hưng Yên trao đổi, lắng nghe những góp ý của người tiêu dùng đối với sản phẩm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phương thức phục vụ nhằm đưa vải Hưng Yên không ngừng vươn xa.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết, Năm 2024, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng tới sản lượng của cây vải. Với Hưng Yên, dự kiến sản lượng quả vải tươi năm nay cũng giảm nhẹ, đạt khoảng 13.000 tấn. Song, chất lượng quả vải năm nay được đánh giá nổi trội hơn, nhất là với quả vải trứng Hưng Yên.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên thông tin, trên địa bàn tỉnh có trên 1.300 ha vải, tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Cừ, Ân Thi, với sản lượng đạt khoảng 20.000 tấn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục lựa chọn, quy hoạch mở rộng vùng trồng vải đi đôi với việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP hướng tới hữu cơ mang lại sản phẩm vừa tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã và an toàn cho người tiêu dùng.
Huyện Phù Cừ là địa phương có diện tích vải lớn nhất tỉnh với 1.200ha, gồm vải lai chín sớm Phù Cừ với 850 ha và vải trứng Hưng Yên có 350 ha, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Vải lai chín sớm Phù Cừ được trồng chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến. Trong khi đó, vải trứng Hưng Yên được trồng tại các xã Phan Sào Nam, Minh Tân. Trên địa bàn huyện hiện có 3 vùng đã được cấp chứng nhận vùng trồng với đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu u (vùng được cấp mã số OTAS).
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày vải trứng Hưng Yên tại phiên chợ (Ảnh: BHY) |
Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ Nguyễn Khả Phúc cho biết, niên vụ 2024, vải lai chín sớm Phù Cừ dự kiến cho thu hoạch rộ từ ngày 25/5, sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 10-15 ngày. Sản lượng vải quả năm 2024 toàn huyện ước đạt từ 13.500- 14.000 tấn.
Vải lai chín sớm Phù Cừ là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2016 và được UBND tỉnh Hưng Yên xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Vải lai Phù Cừ có đặc điểm chín sớm, quả có hình tim lệch, trọng lượng trung bình khoảng 25-30 quả/kg được sản xuất theo quy trình VietGAP có vị ngọt dịu và mùi thơm đặc trưng.
Trong khi đó, vải trứng được trồng khởi điểm ở xã Phan Sào Nam và được nhân rộng ở nhiều nơi trên đồng đất huyện Phù Cừ. Đây là loại vải có nhiều ưu thế vượt trội so với các loại vải khác như quả to hình thù như trứng gà, trọng lượng từ 18-22 quả/kg, vỏ mỏng có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc và thơm mát đặc trưng.
Vải trứng Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận năm 2020 và được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo ông Nguyễn Khả Phúc, để nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm vải quả tươi, những năm qua, huyện chủ động tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ vải; hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã tiêu biểu tham gia các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải và nông sản do tỉnh tổ chức.
Đây là cơ hội để các nhà vườn và hợp tác xã trong huyện thúc đẩy sản xuất, tiếp cận thêm nhiều đầu mối cung ứng, phân phối nông sản đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì thế, những năm qua, vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên luôn được các doanh nghiệp, thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi; trong đó, trọng tâm là chuyển đổi mạnh sang trồng cây trồng chủ lực là vải trứng Hưng Yên tại các xã phía Bắc và trồng vải lai chín sớm tại các xã phía Nam.
Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực; sử dụng tem truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm. Đồng thời, huyện sẽ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng," ông Nguyễn Khả Phúc cho biết thêm.
Tại phiên chợ, quả vải trứng Hưng Yên được bán với giá dao động 180 – 220 nghìn đồng/kg; quả vải lai chín sớm Phù Cừ được bán với giá 40 – 50 nghìn đồng/kg. Trong ngày khai mạc, phiên chợ đã thu hút khoảng 600 lượt khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức quả vải tươi và các nông sản đặc trưng của tỉnh.