Khai mạc hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2017 Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 |
Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 diễn ra trong 4 ngày từ 13 - 16/4, có sự tham gia trực tiếp của 600 doanh nghiệp tới từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và 15 quốc gia/vùng lãnh thổ.
VITM Hà Nội 2023 bao gồm nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, thông qua các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với người tiêu dùng (khách du lịch), hoạt động của các cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và quốc tế.
Trong đó, điểm nhấn của các sự kiện chuyên ngành tại VITM Hà Nội 2023 là Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” thu hút sự quan tâm của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý điểm đến và sinh viên các trường du lịch; Cùng với đó là tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch” cũng là chủ đề nóng, thu hút được nhiều người quan tâm, bởi phát triển du lịch phải luôn gắn với bảo vệ môi trường, coi chất lượng môi trường là yếu tố hấp dẫn của du lịch.
Hội chợ còn có một số chương trình xúc tiến du lịch quốc tế và nội địa hấp dẫn như: Chương trình giới thiệu du lịch Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc); Hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm”, Hội nghị “Quảng bá xúc tiến du lịch giữa tỉnh Bình Định và TP. Hà Nội”, “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên”, Chương trình Giới thiệu du lịch tỉnh: Kiên Giang, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định, du lịch được xem là “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn và có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia; phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thời đại.
Du lịch đồng thời là cầu nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới. Du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hóa được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.
“Đối với Việt Nam, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, nguồn cội “con Lạc cháu Hồng”, được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cho các điểm đến, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, quan điểm này ngày càng cấp thiết" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Các gian hàng của doanh nghiệp du lịch tại VITM Hanoi 2023 |
Được tổ chức lần đầu vào năm 2013, VITM Hà Nội đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến du lịch quan trọng, là hội chợ có quy mô lớn nhất của ngành du lịch, mang lại những cơ hội thiết thực giúp các doanh nghiệp du lịch, điểm đến, các địa phương trong nước và quốc tế gặp gỡ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển. VITM Hà Nội giúp các doanh nghiệp du lịch, điểm đến, các địa phương gặp gỡ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng, tại hội chợ, các doanh nghiệp du lịch sẽ tìm và gặp gỡ được nhiều đối tác mới, tìm được nhiều hướng kinh doanh mới, nhiều hợp đồng sẽ được ký kết, tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham gia vào chuỗi các hoạt động tại hội chợ trong thời gian tới...
Gian hàng xúc tiến quảng bá sản phẩm thương mại, du lịch của địa phương |
Với sự tham gia của 450 gian hàng và 600 đơn vị, hội chợ dự kiến đón trên 3.000 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế. Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cũng kỳ vọng, với 10 năm hình thành và phát triển, VITM Hà Nội sẽ là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế xây dựng, khai thác sản phẩm, trao đổi khách nhằm tăng nhanh du lịch quốc tế và nội địa, thúc đẩy loại hình du lịch outbound vào nề nếp để khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, thúc đẩy trao đổi khách với các quốc gia có nhu cầu đón khách Việt Nam góp phần tăng khách quốc tế vào Việt Nam.
Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh sự phục hồi sau đại dịch từ những công việc cấp thiết như: Củng cố đội ngũ lao động, lựa chọn thị trường, xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới của khách, ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động du lịch để đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.