Ngày 19/8, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Central Group tổ chức Hội nghị Kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam với các đơn vị thu mua trực thuộc Tập đoàn Central Group Thái Lan. Hội nghị nằm trong khuôn khổ của Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2019.
Kết nối đưa hàng Việt vào thị trường Thái Lan |
Phát biểu tại Hội nghị kết nối, bà Nguyễn Khánh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) - cho biết: Hội nghị tạo điều kiện để hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các đơn vị thu mua thuộc hệ thống bán lẻ của Tập đoàn Central Group và các nhà nhập khẩu Thái Lan. Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam không những có cơ hội giới thiệu sản phẩm, mà còn có thêm các cơ hội kết nối giao thương quan trọng.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Pierre Bertholat – Tổng Giám đốc Big C và Go! Việt Nam – cho hay, hội nghị kết nối cung cầu là cơ hội tuyệt vời để cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam có thể gặp gỡ trực tiếp các đối tác là người mua trực thuộc Central Group Thái Lan. Tại đây, hai bên có thể cùng nhau trao đổi rất kỹ và thật chi tiết về nhu cầu của phía các đơn vị là người mua. Đồng thời, ở khía cạnh người bán, nhà sản xuất Việt sẽ biết được các điều kiện để có thể xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Thái Lan nói chung và bán được hàng hóa tại hệ thống kênh phân phối Central Group nói riêng, để từ đó có những điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình do Central Group lựa chọn, trên cơ sở nghiên cứu thị trường Thái Lan và tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp này cũng được tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Thái Lan.
Các doanh nghiệp Việt Nam và đơn vị thu mua trực thuộc Tập đoàn Central Group Thái Lan tại Hội nghị kết nối kinh doanh |
Theo ông Pierre Bertholat, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội nghị kết nối lần này đều là các nhà cung ứng quen thuộc cho Central Group tại Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu về quy cách hàng hóa của các quốc gia khác nhau sẽ không tương đồng mà có sự khác biệt lớn. Đóng gói là một ví dụ. Tại thị trường Việt Nam, mặc dù sản phẩm đã trao đổi với nhau kỹ về quy cách đóng gói, thông tin sản phẩm trên bao bì nhãn và đưa vào kênh phân phối của Big C hay Go! Việt Nam. Nhưng, khi xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, với các quy định quản lý khác thì sẽ có nhiều thông tin, yêu cầu cần phải được đưa vào nhãn của hàng hóa, tuy nhiên các đơn vị cung ứng lại chưa nắm được thông tin này.
Đặc biệt chú trọng vào chất lượng hội nghị kết nối kinh doanh, ông Paul Le - Phó Chủ tịch phụ trách xuất khẩu Tập đoàn Central Group Việt Nam – cho hay, chúng tôi có thể mời nhiều hơn các nhà cung ứng đến tham dự, nhưng số lượng không phải là ưu tiên hàng đầu, hiệu quả sau Hội nghị kết nối mới là quan trọng. “Đây là lý giải về con số 9 đơn vị thu mua trực thuộc Tập đoàn Central Group Thái Lan và hơn 50 doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam đã tham dự Hội nghị Kết nối kinh doanh diễn ra tại tầng 22, Khách sạn Centara Bangkok”, ông Paul Le nói.
Đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt để không chỉ đưa được sản phẩm vào kênh phân phối Central Group tại Thái Lan mà quan trọng hơn là có chỗ đứng nhất định trong lòng người tiêu dùng Thái, ông Paul Le cho hay, cùng với các sản phẩm độc đáo và khác biệt thì việc quảng bá sản phẩm phải đổi mới và sáng tạo, điều này phải đến từ sự thông hiểu nhu cầu người tiêu dùng Thái. “Người tiêu dùng Thái Lan ngày càng ưa thích các sản phẩm tốt cho sức khỏe, không chứa hóa chất, không có mỳ chính, màu sắc và mùi vị tự nhiên”, ông Paul Le nhấn mạnh.
Một trong những sản phẩm được doanh nghiệp đưa đi chào hàng tạo Hội nghị Kết nối kinh doanh |
Nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của các nhà cung ứng địa phương trong mạng lưới kinh doanh của Big C, Go! Việt Nam, Central Group Thái Lan và đóng vai trò cho sự thành công chung của Tập đoàn, ông Pierre Bertholat cho hay, phía Central Group sẽ tiếp tục tăng tốc các hoạt động để hỗ trợ trực tiếp cho các nhà sản xuất và cung ứng tại địa phương để có thể cung cấp và bán được hàng hóa tại hệ thống của Central Group. “Chúng tôi tin rằng các nhà cung ứng ở đây đều có các sản phẩm rất tốt cả về chất lượng và uy tín. Vấn đề làm sao để có thể hợp tác được với nhau chặt chẽ hơn trong thời gian tới để có thể xây dựng quảng bá và bán được nhiều sản phẩm của doanh nghiệp Việt thông qua hệ thống của Central Group”, ông Pierre Bertholat nhấn mạnh.
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu khối lượng giao thương giữa Thái Lan - Việt Nam lên đến 20 tỷ USD vào năm 2020. Những nỗ lực từ Chính phủ Thái Lan, Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Central Group đã và đang giúp người Thái biết đến Việt Nam nhiều hơn, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa hai đất nước.
Cùng với các sản phẩm độc đáo và khác biệt thì việc quảng bá sản phẩm phải đổi mới và sáng tạo là yếu tố quan trọng |
Tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan và Hội nghị kết nối kinh doanh mới chỉ là bước đầu. Học hỏi về giá cả và mẫu mã, thị hiếu thị trường, kiên nhẫn và thái độ cầu thị sẽ là “chìa khóa” quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu trực tiếp vào các kênh bán lẻ lớn sẽ thành công ở Thái Lan. Các doanh nghiệp Việt cũng rất lạc quan về cơ hội của mình tại thị trường xứ sở chùa Vàng.
Thông qua Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2019 và Hội nghị kết nối, thấy được sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng Thái đối với sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Dù vậy, theo bà Nguyễn Khánh Ngọc cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa 2 nước về cơ bản không có nhiều khác biệt.
8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 11,86 tỷ USD, tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan chỉ bằng cũng chỉ bằng 1/2 nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan. Chênh lệch cán cân thương mại còn khá lớn. Do đó, việc các doanh nghiệp Việt nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thái Lan là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trường xuất khẩu, giảm thâm hụt cán cân thương mại.