Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Hải Phòng với doanh nghiệp nước ngoài
Tin hoạt động 17/11/2023 19:04
Hội nghị Kết nối giao thương - Xúc tiến xuất khẩu Long An 2023 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự Hội nghị Thúc đẩy hợp tác thương mại, kết nối giao thương Việt Nam - Campuchia |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị thu hút sự tham dự đông đảo gần 200 đại biểu, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị bao gồm: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Thương mại điện tử, Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia/vùng lãnh thổ bao gồm: Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Nam Phi.
Về phía thành phố Hải Phòng gồm các đại diện các sở, ban ngành của thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, Hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội Logistics và trên 100 doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, cung ứng dịch vụ logistics và vận tải biển…
Thứ trưởng Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Moit |
Về phía các doanh nghiệp nước ngoài đến từ các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ và Nam Phi, có 4 đoàn với khoảng 30 doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, phân phối, logistics, xây dựng trực tiếp tham gia hội nghị (Hiệp hội hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, Liên đoàn các phòng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ, Công ty Power China, Công ty xuất nhập khẩu Huệ Vũ Bắc Kinh, Tập đoàn xây dựng tỉnh Giang Tây, Công ty đầu tư năng lượng Vân Nam, Tập đoàn Sunwa Hồng Kông, công ty Multilateral...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương với các thị trường nước ngoài, đặc biệt thông qua hệ thống cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước.
Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh: Moit |
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề xuất với thành phố Hải Phòng một số giải pháp cụ thể nhằm phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững như quan tâm ưu tiên nguồn lực dành cho hoạt động xúc tiến thương mại; vừa tận dụng thị trường truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á, ASEAN vừa phát triển các thị trường mới với nhiều tiềm năng như: Châu Phi, Nam Á; trang bị kiến thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia như: CPTPP, EVFTA, UKVFTA…
Các đại biểu tham dự hội nghị được giới thiệu, chia sẻ về tiềm năng, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, tập trung vào các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Nam Phi.
Hải Phòng được biết đến là một thành phố cảng lớn nhất ở miền Bắc, một đầu mối giao thông quan trọng với hệ thống giao thông thuỷ, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế, là cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Bên cạnh lợi thế về cảng biển quốc tế, Hải Phòng cũng nổi lên là một trong các địa phương rất nỗ lực trong việc ổn định sản xuất, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm điện tử, linh kiện, cơ khí, nông thủy hải sản, thực phẩm, dệt may, sơ sợi, ô tô, da giày…
Hội nghị kết nối giao thương lần này có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu của Hải Phòng sang các thị trường chính là Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Nam Phi đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp của thành phố tăng cường học hỏi, cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh lâu dài và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của thành phố với các hệ thống phân phối nước ngoài.
Ảnh: Moit |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, kim ngạch thương mại của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và nằm trong xu hướng giảm chung của các quốc gia trên thế giới, tính chung 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,3 tỷ USD, giảm 9,57% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu giảm 7%; nhập khẩu giảm 12,2%.
Để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng, cần hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng, góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường, Lalia Media, Corporate Concepts, Gimex Việt Nam, Vhome Property…
Những nội dung trao đổi nổi bật tại hội nghị có thể kể đến như: Tiềm năng, dư địa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và công tác hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp kết nối, phát triển thị trường xuất khẩu; Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi; Giới thiệu về Hiệp hội logistics Hải Phòng, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng và nhu cầu hợp tác sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi; Nhu cầu, giải pháp, kiến nghị phát triển thị trường của thủy sản và các mặt hàng thế mạnh khác của thành phố Hải Phòng; Giới thiệu về dịch vụ logistics cảng biển của Hải Phòng phục vụ xuất khẩu; khuyến nghị để giúp doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả từ phía Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia/vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ và Nam Phi.
Qua những chia sẻ của nhiều đại biểu cho thấy, các sản phẩm của Hải Phòng xuất khẩu sang 4 thị trường nêu trên còn khiêm tốn và doanh nghiệp Hải Phòng còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh sang những thị trường này.
Tại cuộc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Hải Phòng với đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ đã diễn ra sôi nổi với những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng và doanh nghiệp nước ngoài cho biết bước đầu đã tìm được cơ hội hợp tác, kết nối để tiến tới ký kết hợp đồng hợp tác trong thời gian tới.