Xuất khẩu giày dép khởi đầu tích cực Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép |
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia đã thông tin cảnh báo với doanh nghiệp trong nước về việc Chính phủ Indonesia đã có những tuyên bố cam kết bảo vệ ngành dệt may nước này, đồng thời cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các nhóm hàng khác: Hàng điện tử, giày dép, gạch ốp lát và mỹ phẩm.
Theo đó sẽ có ít nhất có 2 biện pháp được áp dụng, đó là áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ. Các mức thuế tự vệ có thể từ mức 100-200%. Các biện pháp phòng vệ sẽ nhanh chóng sớm được ban hành.
Giày dép Việt chịu sức cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường. Ảnh: Cấn Dũng |
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Indonesia với kim ngạch bình quân khoảng 100 triệu USD/năm, chiếm khoảng 2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên 56 triệu USD giày dép sang Indonesia, kim ngạch chỉ sau 1 số mặt hàng như gạo, hóa chất, hàng dệt may…
Việc Indonesia dự kiến áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có khả năng ảnh hướng lớn tới các sản phẩm giày dép của Việt Nam, đặc biệt khi nước này sử dụng biện pháp tự vệ thương mại toàn cầu.
Tác động dễ thấy và tiêu cực nhất là sản phẩm giày dép của Việt Nam bị “đội giá” so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, lâu dần dẫn tới giảm lợi thế cạnh tranh, có thể mất luôn thị phần.
Không chỉ tại “sân nhà”, Chính phủ Indonesia cũng đã bày tỏ mong muốn ký hiệp định thương mại tự do với EU để được hưởng thuế ưu đãi đối với mặt hàng giày dép và cạnh tranh với Việt Nam. Hiện tại quốc gia này chịu mức thuế 20% khi xuất khẩu giày dép sang châu Âu và Mỹ.
Có hiệu lực từ năm 2020, tính đến tháng 10/2023, 16 nước châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra thị trường lớn với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó da giày một trong những hàng xuất khẩu chính.
Nói về điều này, bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam nhấn mạnh, EVFTA là một trong số các hiệp định Việt Nam tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ từ hiệp định này cũng không làm khó được doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 tỷ USD mặt hàng giày dép sang khối thị trường EVFTA.
6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm giày dép của Việt Nam sang EU đã hồi phục trở lại, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng cao, như: Bỉ 625 triệu USD, Canada 261 triệu USD, Italia 184 triệu USD, Đức 369 triệu USD, Hà Lan 782 triệu USD…
Trong khi đó, cũng theo số liệu của Cơ quan Quan sát độ phức tạp kinh tế (OEC), một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ, giá trị xuất khẩu giày dép của Indonesia sang EU chỉ bằng một phần so với Việt Nam. Indonesia và EU đã liên tục đối thoại để hướng đến việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Indonesia-EU (IEU-CEPA) từ năm 2016. Cả hai bên đã hoàn tất 16 vòng đối thoại và dự kiến sẽ có đợt đối thoại tiếp theo. Chính phủ Indonesia muốn kết thúc các cuộc đối thoại về IEU-CEPA trong năm nay.
Trước động thái tăng sức ép cạnh tranh của Chính phủ Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần theo dõi sát sao thị trường, tham vấn các đơn vị hữu quan của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia để có những giải pháp ứng phó trong trường hợp Indonesia áp dụng các biện pháp phòng vệ có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước từ sớm. Có phương án thị trường dự phòng trong trường hợp bị áp thuế.