IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN IMF nâng cấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên 2,9% |
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về những rủi ro liên quan đến lạm phát và biến động thị trường toàn cầu do các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng phương Tây gây ra.
IMF ước tính rằng, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ rất quan trọng đối với khu vực, vì tăng trưởng ở những nơi khác ở châu Á sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng và dịch vụ, thay vì đầu tư.
“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới vào năm 2023, chủ yếu là do những dự báo lạc quan về Trung Quốc và Ấn Độ. Giống như phần còn lại của thế giới, nhu cầu nội địa dự kiến sẽ vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất trên khắp châu Á trong năm 2023”, báo cáo triển vọng kinh tế khu vực của IMF cho biết.
IMF dự báo nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2023, cao hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2022, đóng góp khoảng 70% vào tăng trưởng toàn cầu. Năm ngoái, kinh tế châu Á đã tăng trưởng 3,8%.
Bên cạnh đó, báo cáo của IMF cho biết, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là động lực tăng trưởng chính, với mức tăng trưởng lần lượt là 5,2% và 5,9%. Trong khi, tăng trưởng ở phần còn lại của châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF đã cắt giảm 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm tới xuống 4,4% và cảnh báo những rủi ro đối với triển vọng kinh tế như lạm phát cao hơn dự kiến, nhu cầu toàn cầu suy giảm cũng như tác động của những căng thẳng trong ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu.
“Mặc dù tác động đối với khu vực châu Á từ những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính của Mỹ và châu Âu cho đến nay đã được kiềm chế tương đối, nhưng châu Á vẫn dễ bị tổn thương trước các điều kiện tài chính bị thắt chặt và việc tái định giá tài sản đột ngột và thiếu trật tự”, IMF cho biết trong một tuyên bố.
Báo cáo của IMF cũng cho biết, trong khi nền kinh tế châu Á có nguồn vốn và thanh khoản mạnh để chống lại các cú sốc của thị trường, các doanh nghiệp và hộ gia đình lại phải đối mặt với chi phí cho vay tăng cao.
IMF cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc, theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ để giảm lạm phát, vốn có thể vẫn ở mức cao liên tục một phần do nhu cầu nội địa mạnh mẽ.
“Việc không đưa lạm phát về mức mục tiêu có thể sẽ khiến kinh tế châu Á phải trả giá lớn hơn so với những lợi ích có được từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ”, IMF cho biết.
Theo IMF, mặc dù Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong khu vực, lĩnh vực bất động sản của nước này vẫn là một rủi ro mà các nhà chức trách cần xem xét để đảm bảo sự phục hồi trong lĩnh vực này.
Phó Giám đốc phụ trách châu Á và Thái Bình Dương của IMF Thomas Helbling nhận định, những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm nới lỏng chính sách tài chính cho các công ty xây dựng phần lớn đã mang lại lợi ích cho các công ty lớn. Tuy nhiên, các công ty xây dựng nhỏ ở các khu vực của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
IMF cũng hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng đối với một số nước phát triển trong khu vực. Ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Nhật Bản giảm xuống 1,3% trong bối cảnh nhu cầu và đầu tư bên ngoài yếu cũng như những dữ liệu đáng thất vọng trong quý cuối cùng của năm 2022.
Trong khi đó, đối với Australia và New Zealand, IMF dự báo nhu cầu trong nước suy yếu do ngân hàng trung ương thắt chặt sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng trong năm nay xuống lần lượt là 1,6% và 1,1%.
IMF lưu ý rằng, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch sẽ được hưởng lợi rõ rệt từ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, tăng trưởng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tác động mạnh nhất đến lĩnh vực dịch vụ.
Trước đó, IMF đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cho rằng đa số các nước sẽ tránh nguy cơ suy thoái trong năm nay, dù giới chuyên gia đang lo ngại về bất ổn kinh tế và địa chính trị.
Theo báo cáo của IMF về Triển vọng kinh tế thế giới, kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 2,8% trong năm 2023 và 3% vào năm 2024, lần lượt giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra vào tháng 1 vừa qua.
Tăng trưởng kinh tế thế giới được điều chỉnh giảm, một phần do một số nền kinh tế lớn giảm tốc và khả năng nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát gia tăng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 3% vào năm 2028, mức dự báo trung hạn thấp nhất kể từ đầu những năm 1990.