Theo đó, IMF giữ mức dự báo về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2021. Đồng thời, quỹ nâng mức triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ - được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức 7% trong năm nay, nhờ gói chi tiêu lớn của chính phủ và chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Ấn Độ bị hạ xuống do nước này đối mặt với số ca nhiễm gia tăng.
"Gần 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã được tiêm phòng đầy đủ, so với con số 11% ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và tỉ lệ rất thấp tại các quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp", bà Gita Gopinath - Nhà kinh tế trưởng của IMF - cho biết trong tuyên bố kèm theo báo cáo.
Theo bà Gita Gopinath, tỷ lệ tiêm chủng đang tăng nhanh hơn dự kiến và tốc độ hồi phục cũng được đẩy nhanh hơn giúp các quốc gia có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Tuy nhiên một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, đang gặp khó khăn để tiếp cận với vaccine, cùng với đó là các đợt bùng dịch Covid-19 mới khiến dự báo tăng trưởng bị hạ thấp.
IMF đã nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ lên một mốc đáng kể - 7,0% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022 - tăng lần lượt 0,6 và 1,4 điểm phần trăm so với dự báo vào hồi tháng 4. Báo cáo này chỉ ra Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua khoản chi tiêu khoảng 4 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và hỗ trợ gia đình – một chính sách được đề xuất bởi Tổng thống Joe Biden. IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của Canada và Anh lên các mức tương ứng là 6,3% và 7%. Khu vực sử dụng đồng Euro cũng nâng mức dự báo lên 4,6%.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ bị hạ xuống 9,5%, giảm 3 điểm phần trăm do quốc gia này đang phải vật lộn với làn sóng dịch bệnh lớn. Trung Quốc cũng bị hạ 0,3 điểm phần trăm xuống 8,1%. Theo IMF, quốc gia này đang giảm quy mô đầu tư công và các biện pháp hỗ trợ tài chính tổng thể.
Mặc dù một số quốc gia thị trường mới nổi như Brazil và Mexico có thể sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm nay, các nước đang phát triển là nhóm nước đang tụt lại sau và gặp khó khăn trong việc phục hồi về các mức trước đại dịch.
IMF cũng hạ dự báo triển vọng đối với Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – nơi đang phải hứng chịu đợt bùng dịch mới. Dự báo cho nhóm ASEAN-5 đã giảm 0,6 điểm xuống 4,3%. Quỹ này cũng dự báo các nền kinh tế mới nổi của châu Á sẽ tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4.
Theo IMF, các nền kinh tế trên toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bao gồm sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới, dễ lây lan, khiến các quốc gia phải áp đặt lệnh hạn chế di chuyển và các lệnh khiến hoạt động kinh tế bị trì trệ.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho rằng, sự xuất hiện của các biến thể có khả năng lây nhiễm cao có thể cản trở quá trình phục hồi và khiến GDP toàn cầu thiệt hại 4.500 tỷ USD vào năm 2025.
IMF cũng đang hối thúc kế hoạch chi 50 tỷ USD để kết thúc đại dịch, thông qua phân phối vaccine và giải quyết các nhu cầu cấp bách ở các nước thu nhập thấp.
Mặt khác, IMF cho biết, ngay khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, họ sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát tạm thời do cung - cầu không khớp. Dự báo cho thấy mức lạm phát sẽ quay trở lại mức trước đại dịch tại hầu hết các quốc gia vào năm 2022. Quỹ này cũng cảnh báo tỉ lệ lạm phát cao kéo dài sẽ buộc họ phải “đánh giá lại” triển vọng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại các nước tiên tiến.
Quỹ tiền tệ quốc tế cũng đưa ra khuyến nghị chính sách chung cho các nền kinh tế, bao gồm: ưu tiên chi tiêu cho y tế, đặc biệt cho tiêm chủng, hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương, đầu tư vào giáo dục, đào tạo và các dự án thúc đẩy năng suất đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.