Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2021 |
Theo ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn: Năm 2021, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện là 15.450 ha, sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn; thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng ngày 20/5 - 20/7/2021.
Vừa đảm bảo thông thương cho quả vải vừa phải an toàn trong phòng chống dịch |
Hiện quả vải đã bắt đầu chín. Dự kiến, bên cạnh việc bán khoảng 97.000 tấn quả vải tươi ở thị trường trong nước, thông qua các chợ đầu mối và hệ thống siêu thị lớn; 32.000 tấn quả sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước khác như Úc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản…, thì việc sấy khô cũng là giải pháp được tính toán kỹ.
Vì vậy, UBND huyện Lục Ngạn vừa ban hành quyết định phê duyệt chi tiết dự toán thực hiện hỗ trợ xây mới lò sấy vải thiều năm 2021 (đợt 1) cho UBND các xã, thị trấn với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng từ nguồn xúc tiến thương mại năm 2021.
Lục Ngạn hiện có 854 lò sấy vải thiều, 729 lò đăng ký xây mới ở 28 xã, thị trấn. Trong đó, lò sấy vải thiều xây mới có diện tích khác nhau sẽ có mức hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, những lò sấy có diện tích từ 45 m2 trở lên (có 510 lò) được hỗ trợ 4 triệu đồng/lò; lò có diện tích từ 20 m2 đến 45 m2 (có 219 lò) được hỗ trợ 2 triệu đồng/lò; lò sấy có diện tích từ 10 m2 đến 202 được hỗ trợ 1 triệu đồng/lò. Các xã có số lượng đăng ký xây mới lò sấy vải thiều nhiều gồm: Nam Dương 72 lò, Giáp Sơn 40 lò, Tân Lập 50 lò, Quý Sơn 45 lò, Kiên Lao 95 lò, Hồng Giang 39 lò…
Không thụ động chờ chính quyền, tự mỗi người dân vùng trồng vải ở đây cũng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho mình. Dự đoán được năm nay vải được mùa nên ông Nguyễn Đức Thái, thôn Kép 2A, xã Hồng Giang đã đầu tư gần 600 triệu đồng nâng cấp bể làm lạnh nước đá. Hiện nay, ông đã cho chạy thử và bảo đảm sản xuất đồng loạt vào cuối tháng 5 này với sản lượng cả vụ khoảng 10 nghìn cây đá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ trên địa bàn như sản xuất đá cây, thùng xốp cũng chủ động nguồn cung. Toàn huyện hiện có 4 công ty sản xuất thùng xốp, 35 kho xốp và 42 cơ sở sản xuất đá cây. Cùng đó, 300 cơ sở đóng gói vải thiều của Bắc Giang (Tân Yên 19 cơ sở, Yên Thế 15, Lục Nam 26, Lục Ngạn 237 và TP. Bắc Giang 3 cơ sở) đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường cũng đã chuẩn bị xong cơ sở vật chất cho vụ vải.
Để quả vải thuận đường thông thương, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện cấp giấy xác nhận lô hàng vải thiều an toàn dịch bệnh Covid-19. Giấy xác nhận có nội dung kê khai: Chủ lô hang, lái xe, ghi rõ số chứng minh nhân dân; ngày xét nghiệm và kết quả âm tính với vi rút SARS - CoV2; xuất xứ lô hàng; khối lượng; cơ sở sơ chế, đóng gói; phương tiện vận chuyển (ghi rõ biển kiểm soát phương tiện, đã được phun thuốc khử khuẩn). Giấy xác nhận do UBND cấp huyện cấp, có xác nhận của Phòng y tế huyện và ghi rõ thời hiệu. Tất cả vải thiều của Lục Ngạn sẽ được phun CloraminB để đảm bảo an toàn với khách hàng. Trên các thùng vải sẽ được dán tem "Vải thiều đã được kiểm dịch".
Dù dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho việc tiêu thụ, nhưng UBND huyện vẫn đặt mục tiêu toàn bộ vải thiều của Lục Ngạn trong năm 2021 phải được tiêu thụ hết, hoặc chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với hỗ trợ chi phí cho người dân xây lò sấy vải, quảng bá vải, UBND huyện Lục Ngạn cũng đẩy mạnh các kênh bán; đồng thời nỗ lực thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho người dân cũng như thương nhân. Quả vải thiều của Lục Ngạn đã được chào bán trên nhiều sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo… |