Sông Mã: 57 hộ dân bản Ten Ư được sử dụng điện lưới Quốc gia Nghệ An: Nỗ lực xoá các “vùng trắng” điện lưới quốc gia |
Huyện Hoà An là một huyện nằm ở trung tâm của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 15km về hướng Bắc, cách thành phố Lạng Sơn 142 km về hướng Tây Bắc và cách thành phố Hà Nội 283 km về phía Đông Bắc.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại Hoà An |
Những năm qua, chính quyền huyện Hoà An tích cực triển khai các chương trình, chính sách, dự án đảm bảo phù hợp với phát triển kinh tế từng vùng và nhu cầu của người dân, xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và nhiều chương trình, đề án khác được Chính phủ phê duyệt thực hiện đối với vùng dân tộc và miền núi.
Cụ thể, huyện tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng dân cư, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số đấu tranh ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Giai đoạn 2018 - 2022, từ các chương trình, dự án hỗ trợ theo Quyết định số 102, 755, 33 của Chính phủ, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo... huyện tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, cầu treo, hỗ trợ các hộ nghèo xóa nhà tạm và hỗ trợ giống, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; hỗ trợ về thông tin, truyền thông…
Nhờ đó, đến nay Hòa An là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Cao Bằng như đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ số 4, 3A, 3B và các tuyến Tỉnh lộ, đường liên huyện, đường liên xã đã được nhựa hóa… tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế với các huyện có cửa khẩu trong tỉnh cũng như các tỉnh có nền kinh tế phát triển, tạo thành những tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện triển khai kịp thời, đúng đối tượng nhiều chính sách xoá đói giảm nghèo, góp phần tạo cơ hội cho người dân phát huy nội lực, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời tại xã Nam Tuấn - huyện Hoà An |
Trong đó, riêng năm 2022, huyện được phân bổ 48 tỷ 361 triệu đồng đầu tư 85 dự án, trong đó, khởi công mới 49 dự án, chuẩn bị đầu tư 36 dự án. Tổng nguồn vốn sự nghiệp 18 tỷ 932 triệu đồng thực hiện 9 dự án, UBND huyện đã phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn được giao thực hiện dự án tổ chức rà soát danh mục, nội dung công việc, tập trung thực hiện các nội dung của dự án.
Các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia…
Năm 2022, huyện giảm 510 hộ nghèo, đạt 121,43% kế hoạch. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được duy trì và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Hoà An sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo hướng đầu tư có trọng tâm, hiệu quả hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số về kiến thức khoa học kỹ thuật, tư liệu sản xuất; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng của địa phương.