Bắc Mê - sức hút mới của du lịch Hà Giang |
Với phương châm “lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”, huyện Bắc Mê đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HU. Việc triển khai Nghị quyết số 10 được thực hiện ra sao, thưa bà?
Bà Củng Thị Mẩy - Phó Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê |
Bà Củng Thị Mẩy: Trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/HU về phát triển du lịch – dịch vụ gắn với bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc và lịch sử địa phương giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Bắc Mê đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Đến nay, các hoạt động bảo tồn, phục dựng các lễ hội Văn hóa dân tộc và dân ca dân vũ, nhạc cụ dân tộc đang được Bắc Mê tiến hành theo đúng kế hoạch.
Tháng 7 vừa qua, việc trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Căng Bắc Mê đã hoàn thành giai đoạn 1. Hoạt động phục dựng Lễ cầu mùa cầu mưa của dân tộc Dao đỏ cũng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia…
Các lễ hội, dân ca, dân vũ của các dân tộc trên địa bàn như: Lễ hội “lồng tồng” của người Tày; Cúng “thần rừng” của dân tộc Pu Péo, Lễ “gọi trăng” của người Tày nay đã trở thành Lễ hội thường niên.
Để phát huy, gìn giữ được giá trị văn hóa dân tộc của địa phương, nhiều thôn, xã của huyện Bắc Mê cũng đã mở lớp truyền dạy chữ viết, văn hoá và tiếng nói của dân tộc Mông, Dao; duy trì nghề truyền thống (chạm bạc của dân tộc Dao; nghề đan lát, nghề dệt, may, thêu của dân tộc Tày, Mông, Pu Péo, Dao) bằng các cơ chế khuyến khích riêng của huyện…
Giờ đây, đến với huyện Bắc Mê, du khách không chỉ tham quan Di tích lịch sử Căng Bắc Mê nhuốm màu thời gian, đắm đuối với vẻ đẹp dịu dàng, xanh mát của sông Gâm mà còn được trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc, riêng có của đồng bào dân tộc sinh sống ở huyện Bắc Mê.
Được biết, song song với phát triển du lịch – bảo tồn văn hoá; công tác xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội được huyện Bắc Mê rất chú trọng. Bà có thể cho biết, một số kết quả đạt được của địa phương?
Bà Củng Thị Mẩy: Với Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bắc Mê đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 thôn được công nhận thôn nông thôn mới. Cùng với xây dựng nông thôn mới, việc ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết trong sản xuất đã tạo tiền đề để Bắc Mê hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, các trang trại, gia trại chăn nuôi. Hiện Bắc Mê có 21 sản phẩm được công nhận 3 sao, 4 sao theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP ( Tinh bột nghệ; Rượu ngô Phú Nam; Rượu Bắc Mê; Gia vị tinh dầu hồi; Thịt bò khô; Chân giò lợn đen muối tiêu…).
Với công tác an sinh xã hội, chúng tôi không chỉ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm, mà còn chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tính đến 31/8/2022, huyện Bắc Mê đã giải quyết việc làm được cho 1.570 người; tổ chức đào tạo nghề dưới 3 tháng cho 275 học viên.
Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở cũng đang được huyện Bắc Mê tích cực triển khai với 83 hộ đã được cấp kinh phí. Hiện 40 hộ đã hoàn thành và 43 hộ dự kiến sẽ hoàn thành trước 30/10/2022.
Du khách tham quan Di tích lich sử Căng Bắc Mê |
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Phấn đấu đến năm 2030 Bắc Mê thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045 là huyện phát triển khá của tỉnh Hà Giang”. Dựa vào cơ sở nào để huyện Bắc Mê đưa ra lộ trình thoát nghèo vào năm 2030, thưa bà?
Bà Củng Thị Mẩy: Là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, những năm qua, Bắc Mê luôn có những giải pháp cụ thể mang tính chiều sâu để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, tính theo chuẩn nghèo mới, đến 31/12/2021, số hộ thuộc diện nghèo của huyện Bắc Mê vẫn còn: 5.507 hộ, chiếm 48,83%; số hộ thuộc diện cận nghèo: 2.123 hộ, chiếm tỷ lệ 18,49%.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 thoát khỏi huyện nghèo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 nhiệm vụ đột phá: Nâng cấp giao thông nông thôn; thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch và dịch vụ; sinh kế cho người dân và giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, huyện Bắc Mê cũng đề ra 5 chương trình trọng tâm gồm: Phát triển chăn nuôi hàng hóa; trồng rừng kinh tế gắn với cây dược liệu; cải tạo vườn tạp, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển du lịch - dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc và lịch sử địa phương và Quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết đề ra, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Mê đã xây dựng chương trình hoạt động, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Ban chấp hành toàn khóa. Trên cơ sở đó, phân công từng đồng chí trong Ban chấp hành, Ban thường vụ, phụ trách các lĩnh vực và phụ trách các chi, đảng bộ trực thuộc, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Từ đó, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết một cách cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn với những nội dung cơ bản, trọng tâm.
Hiện, Đảng bộ huyện Bắc Mê đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thu hút nguồn lực xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Gần đây nhất, ngày 29/03/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 09 NQ/HU về thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch và dịch vụ, giai đoạn 2021 - 2025.
Giáo dục là lĩnh vực được huyện Bắc Mê dành nhiều ưu tiên trong những năm tới |
Trong đó, định hướng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho các ngành, lĩnh vực mà Bắc Mê có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ Ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm. Thực hiện tốt việc kêu gọi xã hội hóa vào đầu tư các công trình nhà nước và nhân dân cùng làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Với lộ trình và quyết tâm mạnh mẽ, huyện Bắc Mê hướng tới nêu cao vai trò trách nhiệm, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; cùng với đó khơi dậy ý trí khát vọng vươn lên của từng người dân trong phát triển kinh tế, không cam chịu đói nghèo; từng bước xây dựng huyện Bắc Mê phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!