Thứ sáu 09/05/2025 16:16
Dầu sở Bình Liêu

Hương vị độc đáo còn tiềm ẩn

Sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, nhưng lượng tiêu thụ còn rất khiêm tốn… là thực tế đang diễn ra với sản phẩm dầu sở Bình Liêu (Quảng Ninh). Ðồng bào dân tộc trồng sở nơi đây đang cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành để vị ngon tiềm ẩn của dầu sở Bình Liêu được lan tỏa.
Ông Hoàng Tiến Thắng với những chai dầu sở được sản xuất bởi Hợp tác xã Phát triển xanh

Ðộc đáo dầu sở Bình Liêu

Những năm gần đây, cây sở không chỉ được biết đến như một nét riêng, thu hút khách phương xa đến với Bình Liêu, mà còn là một loài cây mang lại lợi ích kinh tế cho người dân. Tháng 10, các xã Lục Hồn, Đồng Tâm, Hoành Mô, Húc Động, Vô Ngại, Đồng Văn, Tình Húc của huyện Bình Liêu bắt đầu vào mùa thu hoạch quả sở. Quả tươi sau khi thu hoạch được ủ cho đến khi nứt, thì tách lấy hạt và đem phơi khô.

Ghé thăm cơ sở ép dầu sở của ông Hoàng Tiến Thắng (thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô), được anh cho biết: Sau khi hạt sở khô mang tới xưởng, hạt sẽ được cho vào máy để tách riêng vỏ và phần lõi hạt bên trong. Tách xong, phần lõi hạt được đem rang khô bằng máy ở nhiệt độ 150 độ C trong vòng 30 phút. Hạt sau khi rang khô đủ độ sẽ được cho vào khuôn ép lấy dầu thô rồi cho chảy qua máy lọc để gạn sạch phần bã còn sót lại. Thành phẩm sẽ là những lít dầu thô có màu vàng trông giống nhiều loại dầu ăn khác nhưng mang mùi thơm đặc trưng của hạt sở. “Trước đó, những công đoạn ép lấy dầu sở đều thực hiện thủ công, nhưng hiện nay, tất cả các công đoạn này đã sử dụng máy móc, thiết bị tự động giúp quá trình ép dầu sở thực hiện đơn giản và dễ dàng hơn” – anh Thắng chia sẻ. Được biết, máy chế biến dầu sở của Hợp tác xã (HTX) Phát triển xanh do anh Thắng làm giám đốc được hỗ trợ từ chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) của huyện Bình Liêu. Sản phẩm dầu sở theo đó đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP của huyện.

Hiện, giá dầu sở bán ra thị trường là 150.000 đồng/500ml. Phần bã thừa sau khi ép lấy dầu thô có thể dùng để làm sạch đầm tôm, sử dụng sản xuất thuốc trừ sâu hoặc làm phân bón rất tốt... với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, bã có đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vỏ quả dùng làm than hoạt tính, làm thuốc nhuộm. Hiện, đồng bào trồng sở và cơ sở ép dầu như HTX Phát triển xanh đều có thu nhập đáng kể từ loại cây trồng vốn không phải dày công chăm sóc như cây sở.

Tìm đầu ra ổn định

Dầu sở dùng làm dầu ăn, ngoài ra còn là nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp như làm dầu máy, dầu nhờn, dầu chống gỉ, dầu in và dầu dùng trong y dược. Nếu như người Trung Quốc tin dùng và tìm mua dầu sở Bình Liêu từ nhiều chục năm nay, thì mới đây, dầu sở của Bình Liêu cũng đã được nhiều nhà khoa học, doanh nhân Nhật Bản, Hàn Quốc đến tìm hiểu, nghiên cứu. “Có 1 doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Bình Liêu mua hạt sở về thử ép thành dầu. Máy ép của họ là máy hiện đại, nên sản phẩm dầu trong, không bị hắc. Giá 1 lít dầu sở bán tại thị trường Nhật Bản là 3 triệu đồng – gấp 10 lần giá bán ở Bình Liêu” – ông Thắng nói và mong muốn sẽ có được đầu ra ổn định với giá bán tốt để có thể tự tin đầu tư thu mua hạt sở với số lượng lớn và sắm máy móc hiện đại hơn.

Thực tế, năm 2015 HTX Phát triển xanh bán được cho thị trường Trung Quốc 5.000 lít, thị trường trong nước khoảng 2.000 lít. Mặc dù trong nước dầu sở Bình Liêu chưa phải cạnh tranh nhiều, nhưng do sản phẩm có giá cao gấp nhiều lần dầu ăn thông thường; công dụng và chất lượng của dầu lại chưa được phổ biến nên lượng tiêu thụ còn ít. Với thị trường Trung Quốc thì hay xảy ra tình trạng thương lái ép giá (từ thu mua hạt đến bán dầu thành phẩm) nên tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên diễn ra. Giá hạt sở tươi hiện dao động từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; hạt khô là 30.000 đồng/kg. Như năm trước, năm nay ông Thắng lại bắt tay vào sản xuất dầu sở, trong bộn bề nỗi lo.

Rõ ràng, với người nông dân thuần túy như ông Thắng, ông không thể tự mình xoay xở, mà rất cần sự hỗ trợ trực tiếp của Ban điều hành OCOP huyện Bình Liêu trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm dầu sở Bình Liêu mới có cơ hội tiêu thụ rộng rãi và phổ biến hơn nữa.

Quỳnh - Mai

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành trường học cho học sinh miền núi Sơn La

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Quảng Ngãi: Độc đáo lễ mừng nhà mới của đồng bào Hrê

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới