Hà Nội: Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây và giảm thiểu rác thải nhựa Hà Nội: Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa |
Kênh phân phối chung tay
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội về công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã tích cực hưởng ứng, triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Qua tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp, đến nay, có 140/170 siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố không sử dụng túi nilon khó phân hủy, chuyển đổi sử dụng túi tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…) tại các khu vực kinh doanh ăn, uống.
Sử dụng túi giấy thay thế túi nilon |
Một số doanh nghiệp đã tích cực triển khai giảm thiểu túi nilon khó phân hủy thay thế bằng 100% túi tự hủy sinh học, túi môi trường trong hoạt động kinh doanh như: Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (hệ thống siêu thị Vinmart), Công ty TNHH Aeon Việt Nam (hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Aeon), Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (hệ thống siêu thị MM Mega Market), Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ Lan Chi (hệ thống siêu thị Lan Chi, Công ty cổ phần Vincom Retail (hệ thống trung tâm thương mại Vincom).
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, vẫn còn đông đảo người tiêu dùng giữ thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa bởi nó có rất nhiều ưu điểm (giá thành rẻ, tiện lợi, có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực...). Đặc biệt, tại các chợ trên địa bàn thành phố, tình trạng sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa một lần trong hoạt động kinh doanh, mua sắm vẫn còn phổ biến…
Cần sự triển khai đồng bộ
Nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nilon dùng một lần, chiều ngày 4/1, Sở Công Thương Hà Nội đã có buổi làm việc với Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) nhằm thảo luận các nôi dung liên quan về việc thành lập Liên minh siêu thị giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần.
Giới thiệu tổng quan về dự án “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam”, bà Fanny Quertamp - đại diện Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France - cho hay, dự án được Liên minh châu Âu và Chính phủ Liên bang Đức tài trợ. Tại Việt Nam, đối tác chính để thực hiện dự án là Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công Thương; Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị thí điểm phối hợp thực hiện. “Dự án sẽ là cơ hội để các đơn vị ở Việt Nam đưa ra các hành động cụ thể để giảm thải rác thải nhựa và mong rằng dự án sẽ nhận được sự tham gia tích cực của các siêu thị”, bà Fanny Quertamp nhấn mạnh.
Bà Fanny Quertamp cũng cho biết, ngoài việc được triển khai tại Việt Nam, dự án giảm thiểu tiêu thụ túi nilon cũng đang được triển khai tại 4 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia nhằm mục đích thiết lập, vận hành liên minh các siêu thị để giảm rác thải nhựa quốc gia.
Theo đại diện Lotte Mart Ba Đình, việc không sử dụng túi nilon một lần rất được các khách hàng phương Tây, Hàn Quốc hưởng ứng và sẵn sàng bỏ tiền ra mua túi nilon sinh học để đựng đồ, còn nhiều khách hàng người Việt lại phản ứng và tỏ thái độ gay gắt khi không được cho thêm túi nilon, do đó cần có chiến dịch truyền thông để giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Đại diện BigC thì cho rằng, khi xây dựng Liên minh cần áp dụng đồng bộ trên các siêu thị, bởi nếu không thì khách hàng sẽ thấy các siêu thị không có túi nilon sẽ là một điều bất tiện do đó sẽ không đến siêu thị đó, vì vậy lượng khách hàng sẽ giảm xuống, gây thiệt hại đến doanh thu. Đồng thời, kiến nghị, việc giảm thải rác thải nhựa, túi nilon cần phải được luật hóa để thực hiện hiệu quả.
Để việc xây dựng Liên minh siêu thị giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội - bà Trần Thị Phương Lan - đề nghị Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường lên kế hoạch chi tiết và phối hợp với Phòng Quản lý thương mại của Sở để thực hiện.
Tiếp thu các ý kiến của Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố, đại diện Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu về quy chế tổ chức, cách thức hoạt động… của Liên minh siêu thị giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần. Tiến tới sớm thành lập Liên minh và đi vào hoạt động đồng bộ để cùng nhau tin tưởng, cùng nhau hành động vì mục tiêu giảm thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do đó, cùng với sự chung tay vào cuộc của cơ quan chức năng, doanh nghiệp, khâu giáo dục tuyên truyền đến người tiêu dùng cũng rất cần thiết, cần đẩy mạnh.