Hơn 200 doanh nghiệp và nhà mua lớn tìm kiếm cơ hội giao thương tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2020 Hà Nội: Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội” (gọi tắt là Đề án trái cây) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 809/809 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, biển nhận diện; 95% cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng, có trang thiết bị vận chuyển; 80% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc… UBND các quận đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Nhân viên cửa hàng hoa quả 'Luôn tươi sạch' kiểm tra trái cây trong quá trình bày bán |
Đáng chú ý, Sở đã xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 460 DN đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 5.500 mã sản phẩm; đồng thời, tổ chức các hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, các tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại các kênh phân phối của Hà Nội để quảng bá trái cây, nông sản các địa phương và hỗ trợ kết nối tiêu thụ vào kênh phân phối Hà Nội…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh công tác giám sát chất lượng, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn sản phẩm trái cây không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường. Trong đó, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 290 vụ, xử lý 159 vụ, phạt hành chính trên 236,7 triệu đồng.
Đối với công tác phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố năm 2020, đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân và các DN trên địa bàn thành phố. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng, các DN thống nhất tuân thủ quy định pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường, ủng hộ chủ trương giảm thiểu rác thải nhựa, túi nylon trong sản xuất và phân phối. Một số DN đã tích cực triển khai giảm thiểu nylon khó phân hủy thay thế bằng 100% túi tự hủy sinh học như: Công ty CP Dịch vụ thương mại Tổng hợp Vincommerce (quản lý hệ thống siêu thị Vinmart), Công ty TNHH MM Mega Market (hệ thống siêu thị MM Mega Market), Công ty CP Vincom Retail (hệ thống trung tâm thương mại Vincom).
Nhiều siêu thị triển khai chương trình tặng túi mua sắm sử dụng nhiều lần tới những khách hàng |
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về công tác quản lý, kinh doanh của các cửa hàng trái cây trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như giải pháp phòng chống rác thải nhựa, túi nylon khó phân hủy trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Trong đó, đối với Đề án trái cây, ngoài 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè đã được xây dựng tại Đề án thí điểm, các quận, huyện, thị xã chưa xây dựng thêm tuyến phố văn minh mới. Trên thực tế, vẫn còn tồn tại nhiều điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn thực phẩm, mất trật tự mĩ quan đô thị.
Đối với công tác phòng chống rác thải nhựa và túi nylon, do các sản phẩm này có rất nhiều ưu điểm nên đông đảo người tiêu dùng vẫn giữ thói quen sử dụng. Tại các chợ trên địa bàn thành phố, tình trạng sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa một lần trong hoạt động kinh doanh, mua sắm vẫn còn phổ biến. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan chức năng còn chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả tạo sức lan tỏa trong quần chúng nhân dân tham gia phong trào chống rác thải nhựa còn hạn chế.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh, đến thời điểm này, chúng ta đã hoàn thành Đề án trái cây mà thành phố đề ra. Theo đánh giá của các DN, hiệu quả đề án là rất tốt. Chúng ta đã nâng cao nhận thức của người kinh doanh khi chấp hành đủ các quy định của pháp luật, đảm bảo quy chuẩn, quy chế theo quy định. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa phải quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, sản phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe. Tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, xử phạt nghiêm minh các cửa hàng không chấp hành đúng quy định của pháp luật. "Đề án đã đi vào hiệu quả thiết thực đối với cả cơ quan quản lý, các DN, người tiêu dùng Thủ đô. Từ kết quả này, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các quận đang triển khai cũng như tại các huyện, thị xã. Đối với các cửa hàng đã cấp biển nhận diện, nếu không đáp ứng được yêu cầu, Sở sẽ thu hồi biển nhận diện", bà Trần Thị Phương Lan nói.
Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thươn chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động kinh doanh trái cây của thành phố và trang thông tin của thành phố sau khi được UBND thành phố phê duyệt kinh phí… Trong năm 2021, thành phố sẽ hướng dẫn, đôn đốc các cửa hàng hoàn thiện thủ tục, điều kiện theo quy định của đề án; thực hiện cấp biển nhận diện cho các cửa hàng đáp ứng điều kiện của đề án.
Đối với rác thải nhựa, Sở tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tại chợ, trung tâm thương mại, DN sản xuất, DN trong cụm công nghiệp. Theo đó, bên cạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân phối cần nghiêm túc triển khai thu gom, phân loại chất thải tại nguồn; thực hiện cam kết phòng chống, giảm thiểu rác thải nhựa đã ký kết; gắn kết chặt chẽ các DN sản xuất với DN phân phối từ khâu sản xuất cho đến tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên địa bàn thành phố.