Yếu thế ngay sân nhà
Theo thống kê của Hiệp hội ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam, hiện trên 80% thị phần xe đạp, xe điện bán tại Việt Nam là nhập khẩu, trong đó đa phần của Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Điểm mạnh của các sản phẩm này là kiểu dáng, màu sắc đa dạng và giá rất cạnh tranh. Trong khi đó, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam dù có cấu tạo tương tự sản phẩm của Trung Quốc, Đài Loan nhưng chỉ chiếm thị phần ít ỏi, với các thương hiệu như Thống Nhất (Công ty Thống Nhất), Delta (Công ty Cơ điện Delta), Hitasa (Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hiệp Tân)….
Trên 80% thị phần xe đạp và xe điện tại Việt Nam là hàng ngoại |
Chủ một đại lý xe đạp - xe điện trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho hay, vì thị hiếu khách hàng nên tỷ lệ xe do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm khiêm tốn trên 15% trong tổng số các dòng xe đang phân phối tại cửa hàng, số còn lại là các dòng xe nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…. Thực tế thị trường cho thấy, những nhãn hiệu xe điện nhập khẩu nổi tiếng như TenBike, Aima, Xmen ngày càng chiếm lĩnh thị trường với số lượng xe được bán tăng chóng mặt qua từng vụ mùa. Tuy nhiên vị này cũng cho biết, vẫn có khách hàng chọn sản phẩm của doanh nghiệp nội nhưng do các đơn vị này “lười” thay đổi mẫu mã, thiết kế đơn điệu nên hàng nội mất dần ưu thế.
Thừa nhận thực tế này, Phó chủ tịch Hiệp hội ô tô, xe máy, xe đạp Việt Nam, TGĐ Công ty TNHH MTV Thống Nhất Nguyễn Hữu Sơn cho hay, dù là một trong những đơn vị có thương hiệu lâu đời song tới nay, xe đạp Thống Nhất không có nhiều lợi thế tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân mất lợi thế, ngoài việc do tâm lý người tiêu dùng sính ngoại còn do doanh nghiệp Việt mới chỉ sản xuất được một số phụ tùng dẫn tới tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm không cao.
Đối mới để cạnh tranh và phát triển
Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, nhiều doanh nghiệp mới ra đời đã chọn cho mình những hướng tồn tại riêng. Ông Cao Hoàng Minh - CEO Minh Hoang Companny cho biết, dù có rất nhiều loại xe ngoại nhập với đủ loại mẫu mã, giá cả nhưng các dòng xe do Minh Hoàng sản xuất vẫn tự tin chinh phục khách hàng nội địa. Để làm được, theo ông Minh, yếu tố tiên quyết là chất lượng, sau đó là giá thành và mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp phải quan tâm đến hậu mãi sau đó cho khách hàng, luôn lắng nghe thị hiếu, góp ý sản phẩm từ khách hàng.
Ông Minh còn phấn khởi cho biết, dù mới thành lập chưa lâu nhưng mỗi năm công ty vẫn tiêu thụ được 4.000 chiếc xe, trong đó thị trường chính là miền Bắc và miền Trung. Tại khu vực phía Nam, trong năm 2015 công ty đang mở rộng tiếp xúc và quảng bá sản phẩm để gia tăng sự hiện diện của mình.
Xe đạp bằng tre của Viet Bamboo Bike thu hút sự chú ý từ người tiêu dùng |
Với Viet Bamboo Bike- doanh nghiệp này lại chọn cho mình hướng đi rất độc đáo - đó là đưa ra thị trường các sản phẩm xe đạp làm bằng tre. Ông Phạm Minh Trí - CEO Viet Bamboo Bike chia sẻ, sau thời gian dài hoàn thiện sản phẩm và chạy thử nghiệm, giữa năm 2014, chiếc xe đạp tre đầu tiên do ông nghiên cứu, sản xuất đã có người mua. Hiện xe đạp tre của công ty ông đã đạt chứng chỉ quốc tế chứng nhận chất lượng sản phẩm khung xe đạp theo tiêu chuẩn ISO 4210 của tổ chức SGS.
Ông Trí cho hay, tiêu chí của Viet Bamboo Bike là sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường theo xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, do làm chủ yếu bằng thủ công nên giá thành loại xe đạp này cao hơn nhiều so với xe bằng khung sắt, trong đó chiếc xe giá thấp nhất là 5 triệu đồng còn cao nhất lên tới 30 triệu đồng. Thời gian qua, sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu đi nước ngoài nhưng hiện công ty đang nhắm vào nội địa và bước đầu thu được kết quả khả quan.
Có thể nói, chính sự “chậm chân” của doanh nghiệp nội trong suốt thời gian qua đã khiến thị trường xe đạp - xe điện bị các dòng xe ngoại lấn át. Song với sự quyết tâm thay đổi của nhiều doanh nghiệp mới, giới tiêu dùng đang kỳ vọng sẽ được chứng kiến sự “lột xác” của xe đạp nội trong thời gian tới.