Vẫn còn nhiều hạn chế
Khẳng định hệ thống chính sách pháp luật về khoáng sản của Việt Nam hiện cơ bản đầy đủ, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam - thống kê: Năm 1989, Việt Nam đã có Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản; năm 1996 có Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 và năm 2010) và 8 nghị định, 50 thông tư hướng dẫn thi hành. Cùng đó, các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 14 quy hoạch đối với 40 loại khoáng sản… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và đưa ngành công nghiệp khai khoáng phát triển bền vững.
Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên giúp ngành công nghiệp khai khoáng phát triển bền vững |
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý, sử dụng khoáng sản còn nhiều bất cập, tình trạng khai thác, xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn tồn tại; ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản vẫn khá phổ biến… trong khi chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả và bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, theo ông Lại Hồng Thanh, bên cạnh tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý khoáng sản, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, trong đó xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý và khai thác trong dài hạn. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng, bảo đảm hài hòa lợi ích của ba chủ thể là: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Dự báo thị trường tài nguyên dài hạn
Dẫn thực tế từ việc khai thác, cung ứng khoảng 40 triệu tấn than mỗi năm cho nền kinh tế, ông Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là việc khai thác, sử dụng nguồn “vốn tự có của thiên nhiên”, mà cần phải tính toán một cách toàn diện giữa cung và cầu, giữa lợi ích ngắn và dài hạn đối với kinh tế - xã hội của quốc gia. Do đó, trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung thực hiện các chương trình, dự án điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên khoáng sản, nước, biển, đất, năng lượng tái tạo; phân loại, hoạch định chiến lược, lập quy hoạch khai thác, sử dụng bền vững các loại tài nguyên chiến lược… để đưa ra kế hoạch quản lý, khai thác bền vững. Đặc biệt, cần dự báo thị trường tài nguyên trong dài hạn để có đối sách hợp lý trong khai thác, chế biến, sử dụng hay dự trữ và tái đầu tư cho phát triển.
Bên cạnh đó, cần định hướng nhập khẩu các loại khoáng sản; không xuất khẩu khoáng sản thô mà tập trung chế biến sâu; tái cơ cấu ngành công nghiệp khoáng sản.
Đối với các tổ chức, cá nhận hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, ông Lại Hồng Thanh cho rằng, bên cạnh các cơ chế khuyến khích đầu tư vốn, công nghệ trong khai thác, chế biến, cũng cần có chế tài đủ mạnh, buộc người khai thác phải tối đa hóa hiệu quả và gia tăng giá trị khoáng sản.
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại và trữ lượng, song cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên. |