270 tỷ đồng thực hiện Chương trình 135
Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác dân tộc khu vực Tây Nam bộ tổ chức mới đây tại tỉnh Sóc Trăng, cho thấy: 6 tháng đầu năm 2018, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trên địa bàn khu vực Tây Nam bộ đã tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Chương trình 135 đã được triển khai đồng bộ trên địa bàn Tây Nam bộ. Toàn khu vực có 109 xã thuộc diện đầu tư của chương trình (95 xã khu vực III, 14 xã biên giới), với tổng kinh phí phân bổ năm 2018 trên 270 tỷ đồng. Trong đó đã thực hiện phân bổ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên 194 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất trên 52 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng 11,31 tỷ đồng; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ sơ sở 11,22 tỷ đồng.
Với đặc trưng sông nước, đồng bào DTTS khu vực Tây Nam bộ rất cần có những chính sách phù hợp để phát triển |
Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được triển khai 9/9 tỉnh, thành phố trong khu vực... Tuy nhiên, do các nguồn vốn không được cấp đồng bộ (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay) nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Đến nay, mới có 4 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang được phân bổ với vốn cho vay là 50 tỷ đồng... Với nguồn vốn hạn chế lại không kịp thời nên đến nay nhiều dự án vẫn chưa thể triển khai.
Với mong muốn các dự án dành cho đồng bào DTTS sớm được triển khai, các địa phương đề nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn để hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 1163/QĐ-TTg, Quyết định 1898/QĐ-TTg... Riêng tỉnh Trà Vinh kiến nghị UBDT về chủ trương tiếp tục sử dụng nguồn vốn tồn đọng thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2014 - 2016 của tỉnh là 4,7 tỷ đồng.
Hiến kế phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2018 khu vực Tây Nam bộ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục chỉ đạo Vụ Địa phương III thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc trên địa bàn Tây Nam bộ. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Đề án tiếp nhận nhiệm vụ công tác dân tộc sau khi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kết thúc hoạt động.
Về các chính sách dành cho khu vực này, UBDT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, xây dựng đề án tổng thể chính sách ưu đãi nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; đào tạo bồi dưỡng cán bộ DTTS vùng đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết việc làm, đào tạo nghề; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng dân tộc; tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống của bà con Khmer ngày càng hiệu quả hơn.
Trước những vấn đề còn tồn tại ở vùng đồng bào DTTS khu vực Tây Nam bộ, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến lưu ý các địa phương quan tâm rà soát, xác định đối tượng và nhu cầu thụ hưởng chính sách được tỉnh, thành phố phê duyệt. Bao gồm các nội dung như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất. Song song với đó, tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, các nhà chùa, di tích lịch sử, nhà hoả táng, các trường dân tộc nội trú và cơ sở sinh hoạt cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc…
Trên tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến yêu cầu các địa phương cùng UBDT nghiên cứu xây dựng đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer trong thời gian tới, trong đó chú trọng tới yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu. |