Trà Vinh đặt mục tiêu về đích xây dựng nông thôn mới trước năm 2025 Quảng Nam: Chú trọng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới |
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đã triển khai thành công và về đích trước 1 năm.
Toàn cảnh Hội nghị |
Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như: Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Một số tỉnh, thành phố có kết quả đáng khích lệ đó là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang...
Là chương trình mang tính tổng thể, toàn diện và có chiến lược lâu dài, “có điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc”, Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 – 2025.
Các nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình được triển khai trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trong năm 2022: Quyết định số 263/QĐ-TTg; Quyết định số 318/QĐ-TTg; Quyết định số 320/QĐ-TTg. Thực hiện các Quyết định này, Bộ Công Thương đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn các tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung nông thôn mới thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách.
Là một trong các địa phương triển khai Chương trình, ông Dương Đức Đằng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình - chia sẻ: Chương trình đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Giai đoạn 2021 - 2023, toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đang được triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đúng tiến độ, hoàn thành kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.
Trong đó, đối với các tiêu chí thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách, Sở Công Thương Ninh Bình thường xuyên triển khai, hướng dẫn, thẩm định 2/19 Tiêu chí và 1 chỉ tiêu gồm: Tiêu chí số 4 về điện, Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và chỉ tiêu số 13.5 thuộc tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn của xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo tiến độ, đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương và địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng một số khó khăn như độ trễ của chính sách, một số quy định mới nhưng hướng dẫn triển khai thực hiện chưa kịp thời, chưa đồng bộ, khiến địa phương lúng túng.
Do vậy, việc bồi dưỡng cập nhật kiến thức, đặc biệt là những kiến thức mới cho cán bộ các cấp làm công tác xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ Hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Hướng dẫn chi tiết chỉ tiêu về cụm công nghiệp thuộc tiêu chí Kinh tế trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; Hướng dẫn triển khai triển khai các mô hình thí điểm về xã thương mại điện tử của Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Đồng thời, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, hỏi đáp các vấn đề liên quan đến công tác đánh giá thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung nông thôn mới thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách. Từ đó, phân tích, đánh giá những vấn đề còn tồn tại và đề xuất một số giải pháp, cũng như cơ chế, chính sách nhằm triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn tới.
Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, ông Dương Quốc Trịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đề nghị, các Sở Công Thương trong thời gian tới tích cực phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, Công ty Điện lực, các cơ quan đơn vị liên quan, làm tốt công tác tham mưu cho UBND và Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ Sở, cán bộ cấp huyện, xã tại địa phương trực tiếp theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung đảm bảo thống nhất phương pháp đánh giá đạt chuẩn theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương đã ban hành.