Họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu |
Báo cáo tại cuộc họp cho biết, thị trường hàng hóa tháng 9 khá sôi động, lưu chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong các dịp nghỉ lễ Quốc khánh, Rằm Trung thu, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới… “Nguồn cung các mặt hàng tương đối ổn định; giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước; các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng giá điều chỉnh giảm theo giá thế giới; giá các mặt hàng khác không có biến động lớn” – báo cáo nêu rõ.
Điểm đáng chú ý là trong 9 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh Covid-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa như nguyên nhiên vật liệu, năng lượng... có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Riêng mặt hàng xăng dầu, để bình ổn thị trường, hạn chế tác động khi giá xăng dầu biến động tăng, giảm với biên độ lớn, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm nguồn cung cũng như phối hợp với Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước so với mức tăng của giá thế giới.
Bộ Công Thương có nhiều nỗ lực trong điều hành thị trường xăng dầu |
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 9 đạt 493.091,7 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng 8/2022. Trong khi đó, ước tổng mức bán lẻ 9 tháng đầu năm 2022 đạt 4.170.221,6 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021 (9 tháng năm 2021 giảm 5% so cùng kỳ do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt được mức tăng trưởng khá tốt (tăng 15,8%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2022 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ ngày 15/8/2022 đến 14/9/2022, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 7.934 vụ, phát hiện, xử lý 5.155 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 33,4 tỷ đồng. Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/9/2022, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 51.456 vụ, phát hiện, xử lý 29.441 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 202 tỷ đồng.
Dự báo trong thời gian tới, thị trường hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng lớn của thị trường thế giới nên sẽ có thể có những biến động khi thị trường thế giới bất ổn. Tuy nhiên, về nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, do năng lực sản xuất trong nước đã phục hồi và tương đối tốt, năng lực kinh doanh thương mại của nhiều doanh nghiệp trong nước tốt nên sẽ bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa cơ bản có biến động theo xu hướng của giá thế giới nhưng sẽ ổn định hơn mức biến động trên thị trường thế giới.
“Hiện đang vào giai đoạn chuyển mùa và dịp cuối năm, nhiều địa phương đã có kế hoạch triển khai các chương trình kết nối giao thương, chuẩn bị hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ Lễ, Tết nên thị trường hàng hóa dịp cuối năm sẽ khó có biến động bất thường”- báo cáo lưu ý.
Tăng cường cơ chế kiểm soát hàng vào siêu thị
Câu chuyện rau chợ gắn mác VietGap đưa vào tiêu thụ trong siêu thị là một trong những câu chuyện được quan tâm tại buổi họp. Ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng, từ vụ việc này cần tăng cường cơ chế kiểm soát cũng như kiểm tra chéo quy trình nhập hàng. Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm cũng cần thông tin rộng rãi trên truyền thông đại chúng để cảnh báo, khuyến cáo tới người tiêu dùng.
Về việc nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường khu vực và thế giới, ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nông sản Việt Nam bên cạnh các giá trị sản lượng và xuất khẩu đã đến lúc rất cần đề cao giá trị dinh dưỡng bởi đây mới chính là chìa khoá để tiếp cận thị trường các nước.
Ông Toản cũng lưu ý việc khi Trung Quốc nới giãn cách Covid-19, khi đó thị trường có thể sẽ có nhu cầu rất lớn song doanh nghiệp Việt Nãm vẫn rất cần chú ý việc xuất khẩu một cách bền vững ngay cả khi thị trường “nở rộ”.
Về vấn đề điều hành thị trường xăng dầu, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất bổ sung kiến nghị nên giảm dài hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với mặt hàng xăng sinh học thay vì chỉ giảm có thời hạn như chỉ giảm 6 tháng.
Ông Ngô Hồng Y- đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 9 trên địa bàn thành phố đạt 58.223 tỷ đồng, đã tăng đến 157,4% so với cùng kỳ năm ngoái khi thành phố phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19
Nhằm bình ổn thị trường hàng hoá cuối năm, thành phố sẽ triển khai chương trình kết nối với các tỉnh cũng như triển khai hoạt động tháng khuyến mãi tập trung dịp cuối năm nhằm tạo hiệu ứng tích cực với thị trường