Hộp thư ngày 25/11: Lỗ hổng thương mại từ dự án Grand Sunlake Hà Đông |
Báo Công Thương nhận được phản ánh liên quan một số vấn đề có dấu hiệu sai phạm như: Mỹ phẩm Lurcinn có dấu hiệu bị làm giả gây tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng; Điện lực Hà Giang đấu thầu mua sắm vật tư không đạt chuẩn; Dấu hiệu gian lận trong hợp đồng đặt cọc mua đất.
Thông tin phản ánh: Khách hàng mua mỹ phẩm Lurcinn của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lasa (Công ty Lasa) về sử dụng thì da mặt bất ngờ đỏ rực, da sần, nổi mụn, người nóng bừng như bị sốt. Thậm chí theo phản ánh đã có người tiêu dùng phải nhập viện điều trị vì bị viêm da tiếp xúc kích ứng, bỏng da mặt do hóa chất.
Theo tìm hiểu, khách hàng đã mua combo mỹ phẩm Lurcinn của Công ty Lasa gồm: sữa rửa mặt, kem chống nắng, serum, kem nám tại nhà.
Nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Lurcinn đang bán trên thị trường có dấu hiệu là hàng giả (ảnh bạn đọc cung cấp) |
Một số thông tin cho rằng, mỹ phẩm Lurcinn do nhà máy của Công ty Hunel sản xuất. Tuy nhiên, phía Công ty Hunel thông tin trên báo chí rằng, phía Công ty Lasa có nhờ Công ty Hunel xin công bố bên Sở Y tế TP. Hà Nội và hứa sẽ sản xuất nhưng sau đó đã "nuốt lời". Do đó, các sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Lurcinn đang được chào bán trên thị trường là hàng giả, không phải do công ty này sản xuất?
Được biết, ngày 18/11/2022, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 2110/QĐ-SYT về việc thu hồi 04 số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty Lasa đối với các sản phẩm thuộc nhãn hiệu Lurcinn như: Prevent Acne, Prevent Acne Professionl, Bright No1, Shining Hex Professionl. Lý do thu hồi là công ty sản xuất (Công ty Hunel) có công văn báo cáo ngừng ủy quyền, không sản xuất cho Công ty Lasa.
Theo tìm hiểu, Công ty Lasa có địa chỉ nhà số 9, ngách 16, ngõ 77, phố 8/3, Phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Công ty Lasa là doanh nghiệp hữu hạn 2 thành viên trở lên, được quản lý bởi Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, tại địa chỉ trên không thấy Công ty Lasa đang hoạt động.
Dư luận cho rằng, Công ty Lasa đang có dấu hiệu không hoạt động tại nơi đăng ký kinh doanh, đặc biệt là dấu hiệu bán hàng giả, do đó cần các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ.
Thông tin phản ánh: Trong năm 2021 - 2022, Công ty Điện lực Hà Giang (PC Hà Giang) đấu thầu nhiều gói thầu mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, sửa chữa lưới điện và đã duyệt trúng thầu, ký hợp đồng mua sắm một số thiết bị hàng hóa không đạt chuẩn theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo hồ sơ, tại gói thầu mua sắm thiết bị công trình cải tạo lưới điện 35kV lộ 372 sau TBA 110kV Bắc Quang, PC Hà Giang đã duyệt mua cầu chì tự rơi có màn chắn hồ quang LBSCO-35kV/10KA của Vina Electric.
Theo phản ánh, sản phẩm FCO-35kV xuất xứ Vina Electric thiếu các bản thử nghiệm điển hình (test) theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tại Quyết định 106/QĐ-HĐTV ngày 21/9/2021. Test thiếu là thử nghiệm khả năng cắt (Interrupting/Breaking Test).
Trước đó, tại gói thầu Mua sắm dây dẫn mua sắm thiết bị thuộc Dự án nâng cao ổn định lưới điện trung hạ thế khu vực thành phố Hà Giang năm 2021, PC Hà Giang đã mua chống sét van 22kV và 35kV của Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng, với giá lần lượt 5.344.900 đồng/bộ và 5.344.900 đồng/bộ.
Được biết, ngày 17/5, ông Vũ Anh Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã ký văn bản gửi các đơn vị thành viên về việc tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư thiết bị, tạm dừng mua sắm một số chủng loại chống sét van. Trong văn bản này, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực Miền Bắc yêu cầu các công ty điện lực thành viên tạm dừng việc mua sắm mới các chống sét van của của Công ty Cổ phần công nghiệp Đông Hưng do chống sét van của doanh nghiệp này sản xuất có tỷ lệ không đạt cao sau thí nghiệm điển hình tại Công ty Thí nghiệm điện miền Bắc. Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng yêu cầu thống kê, đánh giá, phân hạng nhà sản xuất, nhà cung cấp vật tư thông qua dữ liệu sự cố, dữ liệu thí nghiệm đối chứng…
Thông tin qua đường dây nóng: Bà Phạm Thị Thanh Tuyền (trú tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết: Ngày 30/6/2021, bà Tuyền ký hợp đồng đặt cọc với vợ chồng ông Nguyễn Công Nghệ, Nguyễn Bình Minh (trú tại tổ 34, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) để mua mảnh đất số 563, tờ bản đồ số 92, thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai) với giá 2,2 tỷ đồng.
Thời điểm đặt cọc, vợ chồng ông Nguyễn Công Nghệ nói đã mua lại mảnh đất nêu trên của gia đình ông Giàng A Khoa – người địa phương và chỉ cho bà Tuyền xem Giấy trích lục bản đồ địa chính và phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất. Vì vậy phía ông Nghệ cho rằng giấy tờ gốc đang làm thủ tục chuyển đổi tại UBND huyện Bát Xát.
Hợp đồng đặt cọc của Bà Phạm Thị Thanh Tuyền với vợ chồng ông Nguyễn Công Nghệ, Nguyễn Bình Minh |
Sau khi đặt cọc mua đất, từ tháng 9/2021 đến nay, phía ông Nghệ không thực hiện việc giao đất theo thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc cũng như không trả lại số tiền đã nhận cọc cho bà Tuyền.
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền cho biết: Quá trình đòi đất, bà phát hiện ra việc vợ chồng ông Nguyễn Công Nghệ không có giao dịch mua bán đất với ông Giàng A Khoa – chủ nhân hiện tại của mảnh đất số 563.
Từ đây, bà Tuyền làm đơn gửi lên Công an tỉnh Lào Cai để tố giác hành vi của vợ chồng ông Nguyễn Công Nghệ và bà Nguyễn Bình Minh. Ngày 30/6/2022, Thượng tá Nguyễn Văn Hưng, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai ký Thông báo số 670/TB-CSĐT với nội dung cho rằng: Giao dịch giữa bà Tuyền và vợ chồng ông Nghệ, bà Minh là giao dịch dân sự, không có sự việc phạm tội theo quy định tại Khoản 1, Điều 157, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Do không đồng tình với nội dung thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai, bà Tuyền tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan có trách nhiệm.