Hộp thư ngày 8/6: “Cụm công nghiệp Lại Dụ” hoạt động trái phép, sai phạm tại dự án IA20 Ciputra |
Báo Công Thương nhận được phản ánh về một số vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Khu đất IA20 tại Khu đô thị Nam Thăng Long, dự án Grand Sunlake Hà Đông; Trường Trung cấp Thái Nguyên và Khu ẩm thực sinh thái Khe Chè Restaurant.
Thông tin của bạn đọc phản ánh: UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chỉ định chủ trương, giao đất không qua đấu giá, phê duyệt giá đất cho Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Đông Đô làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Thành Hoan làm Tổng giám đốc làm chủ Dự án Cụm công trình nhà ở IA20, thuộc Khu đô thị Ciputra (Nam Thăng Long), phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội có nhiều dấu hiệu trái quy định.
Theo thông tin phản ánh, ngày 20/10/2016, ông Nguyễn Đức Chung, khi đó là Chủ tịch UBND Hà Nội ký Quyết định số 5849/QĐ-UBND, chấp thuận chủ trương chỉ định cho Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Đông Đô thực hiện dự án.
Toàn cảnh dự án tại Cụm công trình nhà ở IA20 tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) |
Ngày 18/11/2016, ông Nguyễn Quốc Hùng, khi ấy là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ký Quyết định số 6344/QĐ-UBND, về việc thu hồi 30,095,2m2 tại ô đất IA20 từ Công ty TNHH phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long để giao cho Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Đông Độ - BQP thực hiện dự án. Tới tháng 6/2020, dự án hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Trước những quyết định này, dư luận đặt ra câu hỏi liệu UBND TP Hà Nội thực hiện chỉ định đầu tư và giao đất không qua đấu giá đã giải phóng mặt bằng sạch khu đất IA20 cho Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Đông Đô có trái quy định tại Khoản 1, Điều 118, Luật Đất đai 2013 về các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất và một trong các lý do được viện dẫn để triển khai dự án là "một phần làm quỹ nhà ở công vụ thành phố" nhưng thực tế không hoàn toàn đúng như vậy.
Theo phản ánh, nhờ danh nghĩa phục vụ "quỹ nhà ở công vụ thành phố" nên dự án có giá rẻ hơn giá thị trường nhưng giá trị thực tế mỗi m2 đất lên tới hơn 100 triệu đồng, mỗi căn hộ trị giá tới chục tỷ đồng nên nhiều người mua rồi chuyển nhượng thương mại kiếm lời, không phù hợp với quy định của Nhà nước về nhà ở chính sách cho cán bộ các cấp.
Để làm rõ những thông tin này, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Hoan và một số cán bộ liên quan nhưng không nhận được phản hồi.
Thông tin bạn đọc phản ánh qua đường dây nóng: Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến vừa ký ban hành văn bản về việc liên kết giữa trường Trung cấp Thái Nguyên (địa chỉ tại số 3, ngõ 158, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, đại diện pháp luật của trường này là ông Bùi Văn Tự với trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có nhiều điểm cần phải làm rõ, không để gây ra những hệ lụy làm ảnh hưởng tới quyền lợi của học sinh, sinh viên/
Theo phản ánh, mặc dù Trường Trung cấp Thái Nguyên được thành lập từ 2009, tuy nhiên đến nay, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn hoàn toàn đi thuê. Cụ thể, trên trang thông tin trungcapthainguyen.edu.vn, trường có đưa ra 2 địa chỉ: Địa chỉ 1 - Khu Văn hóa nghệ thuật, đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nộil; Địa chỉ 2 là số 3, ngõ 158, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên.
Trên website trungcapthainguyen.edu.vn thể hiện 2 địa chỉ của Trường Trung cấp Thái Nguyên |
Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, không thấy Trung cấp Thái Nguyên đăng ký văn phòng đại diện hoặc đơn vị thành viên nào tại Hà Nội.
Việc trường Trung cấp Thái Nguyên đăng tin và hoạt động tại địa chỉ 1 mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế) là có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có dấu hiệu chưa đảm bảo theo yêu cầu của Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021.
Bên cạnh đó, Trường Trung cấp Thái Nguyên còn bị phản ánh về việc mập mờ trong vấn đề liên kết đào tạo. Cụ thể, ngày 15/11/2022 UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản số 5711/UBND-KGVX (Văn bản số 5711) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường Trung cấp Thái Nguyên về việc liên kết đào tạo trình độ Đại học theo hình thức vừa làm vừa học. Theo đó, UBND tỉnh đã nhận được Công văn số 477/ĐHHĐ-GDTX ngày 30/8/2022 (Công văn 477) của Trường Đại học Hồng Đức về việc liên kết đào tạo liên thông, vừa làm vừa học năm 2022 với Trường Trung cấp Thái Nguyên. Sau khi xem xét nội dung báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 3650/SLĐTBXH-GDNN ngày 12/11/2022 (Công văn số 3650), cho thấy các nội dung căn cứ này không đề cập tới ý kiến trực tiếp của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên.
Dư luận cho rằng, Văn bản số 5711 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến ký ban hành có nội dung không hề đề cập đến việc trường Trung cấp Thái Nguyên liên kết đào tạo với Trường Đại học Hồng Đức những mã ngành nào. Do đó sẽ khó cho cơ quan quản lý và giám sát và việc bảo đảm quyền lợi khi học sinh, sinh viên đăng ký vào học sẽ được đáp ứng ra sao, liệu có hay không
Mặt khác, Trường Đại học Hồng Đức đào tạo 33 mã ngành trình độ Đại học và 6 mã ngành đào tạo trình độ cao đẳng thì hầu hết các mã ngành này tại Thái Nguyên có nhiều đơn vị uy tín đang đào tạo. Do đó, về năng lực đào tạo, mức độ đáp ứng về đào tạo tại Thái Nguyên không thiếu, vậy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo như thế nào trong Công văn số 3650 để Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến ký văn bản số 5711 cho Trung cấp Thái Nguyên liên kết với trường ngoại tỉnh là Đại học Hồng Đức tận Thanh Hóa?
Thông tin bạn đọc phản ánh: Dự án Grand Sunlake Hà Đông (Trung tâm Thương mại - Văn phòng - Chung cư cao tầng Hesco (Dự án Hesco), tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định 4132/QĐ-UBND ngày 6/7/2017. Chủ đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Thiết bị Thủy Lợi (Công ty Thiết bị Thủy Lợi) và Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam (Công ty Đô Thị Thăng Long).
Trước đó, giai đoạn 2010-2011, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1854/UBND-SXD đồng ý cho Công ty Thiết bị Thủy Lợi và Công ty Cổ phần Bất động sản Megastar (Công ty Megastar) hợp tác kinh doanh làm chủ đầu tư dự án. Sau đó, hai doanh nghiệp này đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 008/2011/HĐLD để triển khai dự án.
Tuy nhiên, Công ty Megastar đã thực hiện huy động vốn khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép bằng 2 hình thức là chuyển nhượng diện tích sàn kinh doanh hình thành trong tương lai thông qua hợp tác kinh doanh với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Thương mại Hạ Long (Công ty Thương mại Hạ Long). Tiếp đến, Công ty Thương mại Hạ Long lại huy động vốn và cam kết trả bằng căn hộ hình thành trong tương lai tại dự án với số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Được biết, năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung khi đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định 4132/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Quyết định nêu rõ: Công ty Thiết bị Thủy Lợi, Công ty Đô thị Thăng Long, Công ty Megastar chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thực hiên dự án, hợp tác và góp vốn thực hiện dự án.
Theo Quyết định chủ trương đầu tư số 4132/QĐ-UBND ngày 06/7/2017, dự án sử dụng 21.311,4m2 đất, có 1.046 căn (trong đó có 1.034 căn hộ chung cư và 12 căn hộ thấp tầng), thời gian thực hiện dự án từ 2017 đến quý IV/2020. Tuy nhiên, dự án không thể hoàn thành theo thời gian hoạch định.
Hiện tại, các nhân viên môi giới bất động sản đang căn cứ vào Văn bản số 3290/SXD-QLN ngày 04/5/2021 về việc thông báo nhà ở hình thành trong tương lai thuộc Dự án Hesco để quảng bá, giới thiệu, ký kết xác lập hợp đồng. Tuy nhiên, điểm cần nhấn mạnh và lưu ý rằng, văn bản này chỉ cho phép chủ đầu tư đưa 545/1.034 căn hộ thuộc 02 khối nhà cao tầng 45-50 tầng (khối 45 tầng là 86 căn, khối 50 tầng là 459 căn) vào kinh doanh. Do đó, khi xuống tiền đầu tư, nhà đầu tư cần nắm rõ căn dự định xuống tiền đầu tư có năm trong danh sách đủ điều kiện hay không?
Thông tin phản ánh: Khu ẩm thực sinh thái Khe Chè Restaurant (tại khu 9, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) dù đã bị chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu dừng hoạt động xây dựng, nhưng công trình vẫn được thi công trên đất nông nghiệp, đưa vào sử dụng.
Khu ẩm thực sinh thái Khe Chè Restaurant xây dựng trái phép |
Được biết, ngày 15/9/2021, hộ ông Ngô Văn Mười (ngụ tổ 6, khu 9, phường Mông Dương) làm đơn xin tôn tạo đất từ chỗ cao xuống chỗ thấp để sử dụng trồng hoa màu. Trong đơn, hộ gia đình này cam kết không xây dựng công trình, không tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không lấn chiếm sử dụng đất ngoài ranh giới.
Tuy nhiên, sau khoảng 1 năm, tại khu đất đã mọc lên các công trình như cầu, cống, tiểu cảnh suối, nhà, chòi cảnh, đường bê tông.
Được biết, khi công trình đang được xây dựng, chính quyền địa phương đã có văn bản yêu cầu chủ hộ dừng tôn tạo, thi công, đồng thời ra quyết định xử phạt, yêu cầu khắc phục hiện trạng như ban đầu. Tuy nhiên, các công trình trên vẫn ngang nhiên hoàn thiện và biến thành quần thể nhà hàng được đặt tên Khe Chè Restaurant. Hiện nay nhà hàng này đã đưa vào sử dụng.