Mục Hộp thư bạn đọc Báo Công Thương nhận được một số phản ánh cụ thể sau.
Báo Công Thương nhận phản ánh của bạn đọc có địa chỉ email: dangtuxxx trú tại Nam Định. Bạn đọc cho biết đã đọc bài viết “Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức: Bài 1 - Cuộc giải cứu nghẹt thở” do Báo Công Thương phản ánh về tình trạng Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa “bắt tay” với Công ty TNHH hợp tác lao động Toàn Cầu đưa 181 học sinh khóa 15 đi thực tập trải nghiệm tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên nhưng thực chất là ép các em làm công nhân. Chính vì vậy, công dân đã gửi thư phản ánh về trường hợp tương tự tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định khi cho học sinh đi thực tập trải nghiệm tại Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Xe đưa đón học sinh trước cổng trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định - Ảnh Internet |
Theo đó, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định có thông báo thực hiện kế hoạch thực tập tốt nghiệp cho học sinh trung cấp K2 Khoa Điện - Điện tử với mô tả được trải nghiệm công việc thực tế của một người công nhân làm việc tại doanh nghiệp. Địa điểm thực tập là Công ty TNHH NOVA TECH tại Bắc Ninh và Công ty TNHH HANDANBI tại khu công nghiệp Điềm Thụy, Thái Nguyên. Học sinh đi thực tập tại các công ty này ngày làm 8 tiếng. Nhưng trong thông báo đi thực tập lại ghi công ty có thể yêu cầu học sinh làm tăng ca và làm từ thứ 2 đến thứ 7 (mỗi tháng làm 26 ngày công). Nhà trường thông báo công việc của các em học sinh thực tập tại công ty sản xuất, lắp ráp nam châm điện cho thiết bị sạc không dây điện thoại di động.
Sau đó, theo phản ánh nhiều học sinh (các em sinh năm 2005 – 2006) phải bỏ về vì không thể chịu được tăng ca và không thể tốt nghiệp đúng hạn. Trong thông báo danh sách học sinh vi phạm nội quy công ty thực tập gửi về nhà trường thì lại xuất hiện tên doanh nghiệp mang tên Công ty TNHH Sản xuất thương mại JHL Group chi nhánh Phương Linh. Tòa soạn sẽ tìm hiểu và tiếp tục thông tin.
Báo Công Thương nhận phản ánh của công dân Nguyễn Văn Đụt có số điện thoại 0985519xxx. Trong thư ông Đụt cho biết từng là khách hàng của FPT Shop. Vừa qua, ông mua tại FPT Shop máy tính laptop Acer Switt 3. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng sử dụng thì máy bị lỗi màn hình. Ông có mang sản phẩm đến đề nghị bảo hành thì được hẹn trả sau gần 15 ngày. Cho rằng sản phẩm mua là máy mới nhưng lại hỏng ngay nên ông hoang mang về chất lượng và đề nghị trả lại vì cho rằng đây là lỗi của nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi nhân viên định giá thu lại thì cho rằng máy đã mất 40% giá trị (máy chỉ sử dụng hơn 1 tháng). Ông Đụt cho rằng nhân viên của FPT Shop đưa ra điều bất bất hợp lý, cũng như xem thường, chèn ép và có dấu hiệu lừa dối khách hàng, ngăn chặn tiếp cận thông tin tìm hiểu sản phẩm qua đánh giá người dùng.
Báo Công Thương nhận phản ánh của bà H trú tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng, Hải Phòng về việc có một số cá nhân thường xuyên ngăn cản tiểu thương đang hoạt động tại chợ Trại Chuối. Đồng thời, các cá nhân còn lấy danh nghĩa Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Minh Trang để thu tiền thuê địa điểm kinh doanh của tiểu thương tại chợ.
Chợ Trại Chuối nơi xảy ra sự việc |
Được biết, về việc này, UBND quận Hồng Bàng đã có văn bản chỉ đạo Ban quản lý chợ của quận xây dựng và triển khai ngay phương án đảm bảo an ninh trật tự tại chợ Trại Chuối, đảm bảo các tiểu thương mở cửa hoạt động bình thường. Thực hiện việc thu tiền thuê địa điểm kinh doanh, điện nước, vệ sinh của các tiểu thương tại chợ theo quy định. Kết hợp chặt chẽ với lực lượng công an quận, phường trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, làm việc với các tiểu thương, tập hợp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thu tiền của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Minh Trang tại chợ, chuyển Công an quận thụ lý.
Báo Công Thương nhận phản ánh của người dân về việc Công ty Cổ phần Hà Nội Foods Việt Nam (Công ty Hà Nội Foods) có địa chỉ tại thôn Phương Bản, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ xây dựng trái phép, ngang nhiên hoạt động khi bị đình chỉ. Đồng thời, doanh nghiệp này còn bị "tố" chiếm đoạt tài sản, nợ lương công nhân.
Thông tin phản ánh: Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị cung cấp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: UBND tỉnh Quảng Trị đã áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp mỏ tại xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cho Công ty Cổ phần xây dựng tổng hợp Quảng Trị được thực hiện theo Bản xác nhận số 4222/NX-UBND ngày 13/9/2021 của UBND tỉnh diện tích là 1,6ha, khối lượng được phép khai thác 0,11 triệu m3 để sử dụng làm vật liệu san lấp công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Tuy nhiên, việc cấp phép khai thác của Công ty Cổ phần xây dựng tổng hợp Quảng Trị không có trong quy hoạch, không làm thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng theo quy định của pháp luật.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.