“Trái ngọt” từ hợp tác công tư Hợp tác công - tư (PPP): Xây dựng một nền nông nghiệp xanh và gia tăng giá trị Hợp tác công tư "là chìa khóa" tăng cường hội nhập kinh tế ASEAN |
80% vốn đầu vay từ các tổ chức tài chính quốc tế
Tại Chuyên đề 2 “Giải pháp thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải, cấp nước” trong khuôn khổ hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 11/7, ông Nguyễn Trường Giang, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trong lĩnh vực điện, tất cả các dự án đã và đang được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ theo một loại hình duy nhất là BOT và đều do nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư (không có sự tham gia góp vốn của nhà nước).
Trong đó, chủ đầu tư góp vốn chủ sở hữu khoảng 20 - 25% tổng vốn đầu tư, còn lại khoảng 75 - 80% tổng vốn đầu tư là thu xếp vay từ các tổ chức tài chính quốc tế (tức là bên cho vay nước ngoài).
Những dự án nhà máy nhiệt điện đầu tiên được ký kết hợp đồng theo hình thức này là từ năm 2001 (gồm Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2), tiếp sau đó thêm một số dự án khác được triển khai thành công.
“Tính đến nay, có 9 dự án nhà máy nhiệt điện được triển khai thành công theo hình thức BOT (đã vận hành thương mại hoặc đang triển khai xây dựng) với tổng công suất khoảng gần 10.500MW, tổng vốn đầu tư đã thu hút khoảng hơn 16 tỷ USD. Toàn bộ vốn đầu tư là từ khu vực tư nhân nước ngoài, không có sự tham gia góp vốn của nhà nước” - ông Giang thông tin.
Cụ thể, dự án Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sử dụng khí trong nước, có quy mô công suất 716.8MW và tổng vốn đầu tư 386 triệu USD, vận hành thương mại từ năm 2004.
Dự án Phú Mỹ 2.2 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sử dụng khí trong nước, quy mô công suất 715MW và tổng vốn đầu tư 394 triệu USD, vận hành thương mại từ năm 2005.
Dự án Mông Dương 2 tại tỉnh Quảng Ninh, sử dụng than trong nước, quy mô công suất 1.200 MW và tổng vốn đầu tư 2,147 tỷ USD, vận hành thương mại từ năm 2015.
Dự án Vĩnh Tân 1 tại tỉnh Bình Thuận |
Dự án Vĩnh Tân 1 tại tỉnh Bình Thuận, sử dụng than trong nước, quy mô công suất 1240MW và tổng vốn đầu tư 2,018 tỷ USD, vận hành thương mại từ năm 2018.
Dự án Hải Dương tại tỉnh Hải Dương, sử dụng than trong nước, quy mô công suất 1200MW và tổng vốn đầu tư 2,258 tỷ USD, vận hành thương mại từ năm 2021.
Dự án Duyên Hải 2 tại tỉnh Trà Vinh, sử dụng than nhập khẩu, quy mô công suất 1.320 MW và tổng vốn đầu tư 2.188 tỷ USD, vận hành thương mại từ năm 2021.
Dự án Nghi Sơn 2 tại tỉnh Thanh Hóa, sử dụng than nhập khẩu, quy mô công suất 1.330 MW và tổng vốn đầu tư 2.208 tỷ USD, vận hành thương mại từ năm 2022.
Dự án Vân Phong 1 tại tỉnh Khánh Hòa, sử dụng than nhập khẩu, quy mô công suất 1.432 MW và tổng vốn đầu tư 2,346 tỷ USD, đang triển khai xây dựng và dự kiến sẽ vận hành thương mại vào tháng 1/2024.
Dự án Vũng Áng 2 tại tỉnh Hà Tĩnh, sử dụng than nhập khẩu, quy mô công suất 1330 MW và tổng vốn đầu tư 2,187 tỷ USD, đang triển khai xây dựng và dự kiến sẽ vận hành thương mại vào tháng 1/2026…
Trong các dự án nêu trên, Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 vận hành thương mại đến nay đã được gần 20 năm, chuẩn bị kết thúc thời hạn vận hành. Doanh nghiệp dự án sẽ chuyển giao lại nhà máy cho phía Việt Nam tiếp nhận để tiếp tục vận hành. Dự kiến chuyển giao vào năm 2024 đối với Phú Mỹ 3 và vào năm 2025 đối với Phú Mỹ 2.2.
Ngoài ra, còn có một số dự án khác chưa ký được hợp đồng BOT hoặc đang trong quá trình triển khai ở các giai đoạn khác nhau gồm: Sông Hậu 2 (2.120MW, than nhập khẩu), Vĩnh Tân 3 (1.980MW, than nhập khẩu), Nam Định 1 (1.200MW, than trong nước), tua-bin khí hỗn hợp Dung Quất 2 (750MW, khí trong nước), Sơn Mỹ 1 (2250MW, LNG nhập khẩu), Sơn Mỹ 2 (2.250MW, LNG nhập khẩu) và tua-bin khí hỗn hợp Quảng Trị (340MW, khí trong nước).
Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức |
Gặp nhiều khó khăn vì phụ thuộc vào đối tác
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, những dự án này bên cho vay nước ngoài cung cấp khoảng 75 - 80% tổng vốn đầu tư nên có vai trò quyết định đối với dự án. Chỉ khi nào bên cho vay nước ngoài chấp thuận thì các hợp đồng dự án mới có thể được ký kết và dự án mới có thể hoàn thành thu xếp tài chính, khởi công xây dựng, đưa vào vận hành thương mại. Yêu cầu của bên cho vay nước ngoài để cấp vốn cho dự án là rất chặt chẽ và khắt khe.
“Các nhà đầu tư ngày càng gặp nhiều khó khăn trong làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để thu xếp vốn cho dự án. Ngoài ra, theo xu thế toàn cầu hiện nay, hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế đã không tiếp tục tài trợ vốn cho các dự án nhiệt điện than. Vì vậy, việc triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện than theo hình thức BOT gặp rất nhiều khó khăn” - ông Giang cho biết.
Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng BOT với chủ đầu tư và doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, các hợp đồng khác trong bộ hợp đồng dự án như: Hợp đồng Mua bán điện, Hợp đồng Thuê đất, Hợp đồng Cung cấp than, Hợp đồng Cung cấp khí lại do các đối tác phía Việt Nam khác như: EVN, UBND tỉnh, TKV, PVN ký kết với doanh nghiệp dự án.
Các dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức BOT có quy mô công suất và tổng mức đầu tư rất lớn, việc triển khai phụ thuộc vào đặc thù của từng dự án, ý kiến của từng nhà đầu tư từ các quốc gia khác nhau và ý kiến của từng bên cho vay nước ngoài khác nhau, vì vậy, mất nhiều thời gian để thực hiện, khó có thể chủ động để đáp ứng được tiến độ dự án theo yêu cầu.
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, do các bước chuẩn bị đầu tư có nhiều nội dung thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành khác nhau nên cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hợp tác của các Bộ, ngành và địa phương liên quan thì mới có thể triển khai thuận lợi, thông suốt.